Vào 'guồng' tổ chức dạy học theo chương trình mới
Sau một học kỳ triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018, việc chỉ đạo, tổ chức dạy học theo chương trình mới ở lớp 1 đã vào 'guồng'.
Làn gió mới trong hoạt động dạy học
Là GV trực tiếp giảng dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Hoa (Trường Tiểu học Kim Ngọc, Vĩnh Phúc) cảm nhận sâu sắc sự chuyển biến tích cực, rõ rệt và từ nhiều phía chỉ sau một học kỳ triển khai Chương trình, SGK mới.
“Chương trình 2018 đã thổi làn gió mới vào hoạt động dạy - học trong nhà trường”. Đưa nhận định này, cô Hoa chia sẻ: Một trong những lý do quan trọng là được “cởi trói” với quyền chủ động chuyên môn, giúp GV vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học mới và kinh nghiệm giảng dạy, sáng kiến dạy học để giờ học sinh động, hiệu quả, lôi cuốn HS.
“HS bước đầu bỡ ngỡ vì từ bậc mầm non sang môi trường mới, nhưng các em bắt kịp rất nhanh. Sau một học kỳ, ngoài đạt yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, các em bước đầu xây dựng, phát huy được các năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực tự chủ và tự học, biết giải quyết vấn đề sáng tạo, biết yêu thương nhiều hơn. Giờ học nhẹ nhàng, vui vẻ, các hoạt động trải nghiệm ngay trong bài học. Chỉ cần mở SGK với kênh hình hấp dẫn, hay hoạt động khởi động giờ học, tôi đã cảm nhận được sự hứng thú của học trò. Phụ huynh cũng không bị áp lực bởi việc học của con, phối hợp hiệu quả với GV, nhà trường; tham gia tích cực vào quá trình nhận xét, đánh giá HS theo đúng yêu cầu. Từ đó, ngày càng ủng hộ, tin tưởng nhà trường và hiệu quả của chương trình mới mang lại cho con em mình” – cô Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình), những chuyển biến cũng thấy rõ trong hoạt động dạy học. Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, thay đổi quan trọng nhất là tư duy, cách nhìn nhận trong việc thực hiện hoạt động giáo dục. Cách thức quản lý, chỉ đạo chuyên môn thay đổi với việc giao quyền tự chủ kiến thức bài học cho GV; tổ chức tốt sinh hoạt chuyên môn, tập huấn bồi dưỡng GV và đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cần thiết trong việc thực hiện giảng dạy chương trình mới.
“GV Trường Tiểu học Thụy Sơn đã sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; sử dụng tốt công nghệ thông tin, học liệu điện tử trong giảng dạy. Các bài giảng luôn sát thực tế, tạo nhiều cơ hội để HS chủ động làm việc và học tập. Học sinh được học trên sách học liệu điện tử, SGK in đẹp nhiều hình ảnh sinh động… Sự mới mẻ đó khiến các em phấn khởi, hứng thú, chủ động tiếp cận bài học và nắm kiến thức một cách thoải mái, nhớ lâu và kĩ hơn. Các em cũng mạnh dạn, giao tiếp, thể hiện và khẳng định mình tốt hơn; mối quan hệ thầy trò trở nên gần gũi” – thầy Nguyễn Văn Chanh cho hay.
Lớp 2, lớp 6: Không vận dụng cứng nhắc “kinh nghiệm” từ lớp 1
Tại Đồng Tháp, việc chỉ đạo, tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1 đã vào “guồng”. Chia sẻ của ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, việc triển khai song song 2 chương trình (hiện hành và chương trình mới) ở tiểu học được thực hiện đồng bộ; chuyển dần từ quản lý, chỉ đạo theo SGK sang quản lý, chỉ đạo theo chương trình. Học sinh tiếp thu, sử dụng kiến thức, kỹ năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình. Với khối lớp chưa thay sách, công tác quản lý, chỉ đạo tiếp cận với quan điểm mới của Chương trình GDPT 2018. Việc vừa triển khai thực hiện dạy học, vừa tiếp tục tập huấn bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý (kể cả nhà giáo các khối lớp từ 2 - 5) bằng tài khoản trực tuyến không gây áp lực đối với đội ngũ và cơ quan quản lý (sở, phòng GD&ĐT).
Năm học 2021 - 2022, Chương trình GDPT mới áp dụng ở lớp 2 và 6. Với lớp 2, do có kinh nghiệm từ việc triển khai ở lớp 1 nên công việc chuẩn bị từ cơ quan quản lý giáo dục (sở, phòng GD&ĐT) đến các cơ sở giáo dục tại Đồng Tháp thuận lợi hơn. Ở các cơ sở giáo dục THCS, tuy năm học tới mới triển khai nhưng do làm tốt công tác truyền thông và chuẩn bị ngay từ khi Chương trình GDPT 2018 được ban hành, nên khó khăn tuy có nhưng có thể khắc phục được. Để triển khai hiệu quả chương trình mới với lớp 2, lớp 6 tới đây, ông Bùi Quý Khiêm cho biết: Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở GDPT tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức công tác truyền thông để tạo đồng thuận cao trong ngành và xã hội. Đồng thời, nghiêm túc đánh giá những việc làm được cùng hạn chế, tồn tại trong triển khai ở lớp 1 để rút kinh nghiệm trong triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Triển khai đổi mới chương trình, SGK ở lớp 2, lớp 6 đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuyệt đối không vận dụng cứng nhắc “kinh nghiệm” thực hiện ở lớp 1 và không “sáng tạo” sai quy định trong triển khai. Với cơ sở giáo dục THPT, sẽ “tăng tốc” thực hiện các công việc cần thiết, điều kiện về con người, cơ sở vật chất… để chuẩn bị triển khai chương trình mới ở lớp 10.
Để chuẩn bị triển khai chương trình mới với lớp 2, Trường Tiểu học Thụy Sơn đã chủ động lựa chọn, lên kế hoạch bồi dưỡng GV; tổ chức cho GV đi dự giờ lớp 1. Cùng với đó, tổ chức chuyên đề ở các khối lớp với những môn học dạy học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất của HS. Tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên học tập bồi dưỡng các mô-đun của Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, chất lượng.
Nhà trường thường xuyên tập huấn trao đổi với GV các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở và phòng GD&ĐT về thực hiện Chương trình GDPT 2018 và thay SGK các năm tiếp theo. Chúng tôi cũng nỗ lực chuẩn bị tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất; tận dụng, mua sắm trang thiết bị, sách, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, hoạt động giáo dục của lớp 2 cũng như kinh phí bồi dưỡng tập huấn giáo viên. Tất cả hướng đến triển khai tốt nhất chương trình mới. - Thầy Nguyễn Văn Chanh