Vào mùa 'canh rừng'

Hiện nay, thời tiết hanh khô kéo dài, đồng thời cũng là mùa làm nương của bà con nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, đặc biệt những tháng đầu năm 2025 đã xảy ra cháy rừng tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ. Với quyết tâm 'canh lửa' giữ rừng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhân lực, trang thiết bị, sẵn sàng các phương án với tinh thần cao nhất để bảo vệ rừng.

Lai Châu có tổng diện tích rừng 501.484ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 458.936ha; rừng trồng 29.612ha; diện tích cây cao su 12.936ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm nay được coi là năm có nhiều ngày nắng nóng, độ ẩm thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho lửa bùng phát và lan rộng. Đặc biệt, tại các khu vực rừng phòng hộ có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, thảm thực vật dày, việc tiếp cận để chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, đời sống của một bộ phận nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ rừng, dễ bị các đối tượng lợi dụng, xúi giục khai thác lâm sản trái phép.

Nhân dân trong tỉnh tích cực phát dọn thực bì phòng cháy rừng.

Nhân dân trong tỉnh tích cực phát dọn thực bì phòng cháy rừng.

Vì vậy, để chủ động ứng phó, phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy rừng, tỉnh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn quản lý. Củng cố, kiện toàn, tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR tại địa phương; chỉ đạo các chủ rừng thành lập, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; duy trì các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng thôn bản; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.

Tính đến thời điểm này, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với hơn 19.000 lượt hộ dân trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển, chế biến lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, UBND các xã, phường, thị trấn, các chủ rừng tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV trở lên); thường xuyên tuần tra, canh gác, để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng, đặc biệt những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết, phương tiện, công cụ phục vụ xử lý tình huống khi có sự số cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Huyện Phong Thổ có diện tích đất lâm nghiệp 76.000ha, thời điểm bước vào mùa khô cũng là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động sản xuất ven rừng, trong rừng của bà con như: đốt nương, lấy củi, thu hái lâm sản ngoài gỗ, khai thác mật ong… Với phương châm “phòng hơn chữa”, thời gian qua lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên túc trực, có mặt ở cơ sở tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, vận động bà con trên địa bàn nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; không đốt nương, đốt đồng cỏ, bãi chăn thả ở ven rừng, gần rừng, khu vực có nguy cơ cháy lan vào rừng. Đối với các khu vực rừng có hoạt động dịch vụ du lịch trong rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát đoàn khách ra, vào rừng; tuyên truyền cho khách du lịch tuân thủ các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; không sử dụng lửa trong rừng.

Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ tuyên truyền PCCCR đến người dân.

Cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ tuyên truyền PCCCR đến người dân.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đang quản lý diện tích vườn cây cao su 6.948,57ha trên địa bàn hai huyện Phong Thổ, Sìn Hồ. Đa số hiện trạng vườn cây cao su tiếp giáp với rừng tự nhiên, rừng trồng, nương rẫy của người dân. Để bảo vệ diện tích vườn cây cao su, ngay từ đầu mua khô, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và các tiểu ban phòng cháy cấp Công ty. Tại các nông trường thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy tại chỗ từ 10 – 15 người, tiểu ban phòng cháy chữa cháy từ 30 – 50 người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCCR tới bà con ở các xã trên địa bàn nông trường đứng chân. Xây dựng các biển cấm lửa, đưa nội dung bảo vệ vườn cây, PCCCR vào quy ước, ước hương của bản. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các khu vực, các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để sẵn sàng ứng cứu kịp thời nếu xảy ra cháy vườn cây cao su. Khi xảy ra cháy vườn cây cao su phải khẩn trương báo động, huy động lực lượng chữa cháy như: đánh trống, kẻng, điện thoại và báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy vườn cây cao su của Công ty, thông báo chính quyền địa phương để hỗ trợ kịp thời dập lửa.

Công tác bảo vệ rừng ngày càng có nhiều thách thức do biến đổi khí hậu với những đợt nắng nóng, khô hanh kéo dài dễ xảy ra cháy rừng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải chung tay vào cuộc, đặc biệt mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ gìn hệ sinh thái rừng ngày càng phát triển bền vững.

Hà Tĩnh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-te/vao-mua-canh-rung-1175788