Vào mùa diễn Tết

Thời điểm này, các ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh đang bận rộn với lịch diễn Tết. Bằng lời ca, khúc nhạc, điệu múa, mỗi người đều mong muốn góp thêm chút hương sắc vào không khí xuân rộn ràng.

Sáng 15-1, tập thể Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã “mở hàng” chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với các tiết mục ca múa nhạc tại hội nghị tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật và trao Tặng thưởng văn học nghệ thuật 2023. Với những bản nhạc, bài hát xuân sôi nổi như: Mùa vui trên cánh sóng, Tuổi trẻ là mãi mãi, Cánh bướm vườn xuân, Nha Trang thiên đường ước mơ…, các nghệ sĩ đã mang đến niềm hứng khởi cho mọi người có mặt tại hội trường UBND tỉnh. Ca sĩ Hoài Thương chia sẻ: “Tuy đã công tác ở đoàn 14 năm, nhưng mỗi dịp đi diễn các chương trình Tết đều mang đến cho tôi những cảm xúc mới mẻ, bởi đây vừa là nhiệm vụ của nghệ sĩ trong đoàn, cũng là cơ hội để chúng tôi gửi lời ca, điệu múa của mình đến nhiều đối tượng khán giả khác nhau”.

Nhiều tiết mục mới dàn dựng được Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trong dịp Tết để phục vụ khán giả.

Nhiều tiết mục mới dàn dựng được Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn trong dịp Tết để phục vụ khán giả.

Theo kế hoạch, từ ngày 15-1 đến 16-2, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng sẽ thực hiện 17 chương trình biểu diễn có quy mô khác nhau để phục vụ các hội nghị, sự kiện gặp mặt cuối năm, ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước, chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả vui xuân. Trong đó, đáng chú ý là chương trình nghệ thuật chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2024) và 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24-2-1930 - 24-2-2024); biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong chương trình cầu truyền hình chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa; chương trình ca múa nhạc đêm giao thừa; chương trình nghệ thuật Xuân quê hương vào tối mùng 3 Tết; chương trình ca múa nhạc dân tộc “Hương rừng - Tình biển xứ Trầm Hương” vào tối mùng 7 Tết.

Ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết: “Mật độ biểu diễn các chương trình nghệ thuật của đoàn trong dịp Tết khá dày nên đoàn đã chủ động xây dựng các chương trình với những tiết mục cụ thể có thời lượng phù hợp với từng sự kiện, hoạt động. Tinh thần chung là các chương trình phải thể hiện được không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày vui xuân đón Tết. Chính vì thế, ở mỗi chương trình đều có sự kết hợp giữa những tiết mục có chất lượng tốt đã được dàn dựng trước đây với những tiết mục mới được dàn dựng vào cuối năm 2023”.

Các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc trong hội nghị tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật.

Các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc trong hội nghị tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn chỉnh các chương trình biểu diễn nghệ thuật dịp Tết Nguyên đán để phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của khán giả. Tuy số lượng, quy mô các chương trình của hai đơn vị không bằng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, nhưng sự góp mặt của mỗi đơn vị lại mang đến những màu sắc nghệ thuật riêng trong những ngày Tết. Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh sẽ tổ chức hội chơi dân gian hô hát bài chòi xuân Giáp Thìn; thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố ở những địa điểm dọc công viên bờ biển đường Trần Phú; chương trình ca múa nhạc thời trang mừng Đảng - mừng xuân trong đêm giao thừa; tối mùng 1 Tết sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật lân - sư - rồng; tối mùng 5 Tết là chương trình ca múa nhạc Giai điệu tình yêu. Bên cạnh đó, từ ngày 25 đến 29 tháng Chạp, tại khu vực số 5 đường 2 tháng 4 sẽ diễn ra chương trình biểu diễn hàng đêm của các câu lạc bộ nghệ thuật trực thuộc trung tâm. Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chia sẻ: “Chương trình biểu diễn nghệ thuật dịp Tết năm nay, chúng tôi mong muốn đưa tới khán giả nhiều màu sắc nghệ thuật đa dạng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khác nhau. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng kịch bản các chương trình, chúng tôi chú trọng đến việc phát huy khả năng sáng tạo, mới mẻ và có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống với hiện đại; cố gắng kết nối, khích lệ sự tham gia của đội ngũ ca sĩ, diễn viên, nhạc công trẻ và những gương mặt đã tạo được dấu ấn trong giới biểu diễn nghệ thuật ở Khánh Hòa”.

Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ có 3 đêm biểu diễn ở Quảng trường 2 tháng 4 vào các ngày mùng 2, mùng 4 và mùng 6 Tết. Nhằm thu hút khán giả, thực hiện hiệu quả các đêm diễn, nhà hát đã xây dựng những chương trình nghệ thuật mang tính tổng hợp giữa sân khấu tuồng với dân ca kịch bài chòi và theo từng chủ đề riêng. Bên cạnh đó, đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ khách tham quan ở di tích Tháp Bà Ponagar. Được xem là thời điểm bận rộn nhất trong năm của những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các đơn vị đang cố gắng để hoàn thành khối lượng công việc được giao để người dân, du khách lại có dịp theo dõi những chương trình nghệ thuật mang đến cảm xúc vui tươi trong những ngày Tết.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202401/vao-mua-dien-tet-9c65973/