Vào mùa hanh khô, nâng cao cảnh giác hỏa hoạn

Trong vòng vài tháng nay, thời tiết ở TPHCM và nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai… bước vào cao điểm mùa khô, nắng gắt. Giai đoạn các địa phương đang đô thị hóa, nhiều khu đất trống chờ quy hoạch, xây dựng cỏ mọc um tùm và khi người dân bất cẩn trong sinh hoạt, vứt tàn thuốc hay đốt cỏ khô thường dẫn đến cháy. Vì vậy, việc cảnh báo hỏa hoạn không bao giờ thừa, nhất là tại các khu vực này.

Nguy cơ cháy từ những bãi đất trống gần khu dân cư

Mới đây nhất, ngày 25-3-2021 xảy ra vụ cháy tại 1 căn nhà trên đường Phạm Thế Hiển (P4Q8) làm 3 người tử vong, 2 phòng trọ bị thiêu rụi. Rạng sáng cùng ngày, ngọn lửa từ căn phòng giữa trong dãy nhà trọ 5 phòng trên đã lan rộng ra xung quanh và bùng phát thành đám cháy lớn. Do hỏa hoạn bùng lên lúc mọi người đang say giấc nên khi phát hiện đã bùng phát dữ dội.

Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC & CNCH) Công an (CA) quận 8 đã đến hiện trường, khi từ đám cháy tỏa ra nhiều khí độc, lực lượng này đã phun nước từ nhiều hướng để khống chế, không để lan ra khu vực lân cận. Vụ hỏa hoạn làm vợ chồng anh L.N.H.H (SN 1990), chị N.T.T.T (SN 1989) và đứa con nhỏ là cháu L.N.T.M (SN 2018, cùng quê Khánh Hòa) tử vong, đồng thời thiêu rụi nhiều tài sản trong 2 phòng. Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân.

Trưa cùng ngày, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh xảy ra 2 vụ hỏa hoạn. Đầu tiên, "bà hỏa" bùng lên tại bãi phế liệu ở ấp 3 và nhanh chóng lan rộng. Nhìn từ xa, người dân thấy cột khói cao bốc lên trời. Lực lượng CSPCCC & CNCH huyện Bình Chánh, Q.Bình Tân và Phòng CSPCCC & CNCH Công an TPHCM (CATP) nhanh chóng có mặt dập lửa. Cùng thời điểm, tại ấp 2 cũng xảy ra vụ cháy tại xưởng sản xuất cao su, do trưa nắng nóng khiến ngọn lửa lan rộng khoảng 1.000m2. Sau khi khống chế ngọn lửa, lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Khoảng 14 giờ 30 ngày 23-3, nhiều người dân sống gần Khu công nghệ cao ở P.Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức (TPHCM) phát hiện khói lửa bốc lên từ bãi cỏ tại đây đã chạy đến dùng nước chữa cháy nhưng bất thành. Chỉ trong vài phút, ngọn lửa bùng lên lan đến hàng chục hécta khu đất này, do khu vực có nhiều cỏ khô kèm nắng nóng, gió mạnh nên khói bốc cao hàng chục mét.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy khống chế một vụ hỏa hoạn

Lực lượng phòng cháy chữa cháy khống chế một vụ hỏa hoạn

Nhận tin báo, Đội CSPCCC & CNCH Công an TP. Thủ Đức đã điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục CBCS có mặt chữa cháy. Đến 19 giờ cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn, rất may không gây thương vong về người. Trước đó, khoảng 4 giờ ngày 17-3, người dân phát hiện cháy tại căn nhà tạm (là cơ sở sản xuất bột nhang) ở hẻm 47 Bình Thành, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TPHCM nên hô hoán. Nhận tin báo, Đội CSPCCC & CNCH CAQ.Bình Tân đã điều phương tiện cùng hàng chục CBCS đến hiện trường chữa cháy, nguyên nhân được xác định do người dân bất cẩn đốt rác khiến "bà hỏa" lan rộng.

Còn ở Bình Dương, khoảng 13 giờ ngày 5-3, bảo vệ nhà xưởng công ty may mặc rộng hơn 6.500m² ở P.Tân Phước Khánh, TX Tân Uyên thấy lửa bốc lên từ đám cỏ khô phía sau nhà xưởng đã hô hoán mọi người dập nhưng bất thành. Nhận được tin báo, Phòng CSPCCC & CNCH tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các đơn vị phòng cháy địa phương, cơ sở điều 9 phương tiện cùng hàng chục CBCS đến hiện trường. Sau 2 tiếng, ngọn lửa được khống chế, diện tích bị cháy hơn 1.500m². Tại hiện trường, một phần mái tôn và khung nhà xưởng đổ sụp; bên trong nhiều vải, máy móc bị thiêu rụi. Lực lượng chức năng xác định ban đầu do cháy cỏ lan vào nhà xưởng.

Nỗi lo "giặc lửa" tấn công vào mùa khô

Mỗi năm, vào mùa khô, trên địa bàn TPHCM cùng các tỉnh thành lân cận lại xảy ra hàng trăm vụ cháy cỏ rác, trong đó hàng chục vụ lửa lan vào tài sản của người dân, công ty hoặc làm hư hỏng công trình.

Để phòng ngừa cũng như hạn chế thiệt hại do việc cháy cỏ rác gây ra, vào mùa khô chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cần có kế hoạch, phương án tổ chức phát quang cỏ dại, sau đó thu gom xử lý. Người dân và các công ty, xí nghiệp nên dọn dẹp cỏ rác xung quanh nhà cửa, cơ sở, để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa phòng trừ hậu họa.

Đối với các nơi đất còn rộng lại xa khu dân cư, người dân muốn đốt rác nên gom lại một khu đất rộng, xung quanh trống trải rồi đốt; quá trình này cần theo dõi sát, cháy xong phải dập hết tàn lửa, than hồng mới rời đi nơi khác.

Một đám cỏ khô cháy giữa thời tiết hanh khô gặp gió sẽ thêm điều kiện nhanh chóng bùng phát, lực lượng cứu hỏa phải bỏ nhiều công sức, chi phí xăng dầu để dập lửa; hậu quả cũng sẽ rất khó lường nếu ngọn gió "tiếp tay" cho "giặc lửa" tiến vào nhà dân, kho xưởng, công ty, nhà máy, xí nghiệp... Chưa kể các tủ điện, cáp điện, cáp viễn thông... cũng bị phá hỏng nếu nằm trong phạm vi "bà hỏa" tràn qua.

Đối với các khu dân cư, khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận, khi vào cao điểm mùa khô thì màu xanh trong khuôn viên được thay bằng màu vàng xám xơ xác, tiêu điều, đây cũng chính là vùng đất "bà hỏa" thường ghé thăm. Chỉ cần 1 điếu thuốc lá cháy dở do người nào đó bất cẩn vứt ra hay chai thủy tinh hội tụ ánh nắng trưa, đống cỏ rác có người đốt sơ suất không kiểm soát... cũng có thể phát sinh đám cháy và một khi cỏ khô bén lửa sẽ rất khó khống chế nếu không có phương tiện chuyên dụng.

Con hẻm dẫn vào căn nhà và công an phong tỏa hiện trường một vụ cháy ở quận 8

Con hẻm dẫn vào căn nhà và công an phong tỏa hiện trường một vụ cháy ở quận 8

Chính vì những mối nguy hiểm về việc PCCC & CNCH ở TPHCM và các tỉnh thành lân cận nên ngày 19-3 tại TPHCM Phòng CSPCCC & CNCH công an 7 tỉnh thành gồm: TPHCM, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra lễ ký kết phối hợp thực hiện công tác PCCC & CNCH giữa các đơn vị với nhau. Đây là những địa bàn có số vụ cháy lớn, nhiều hơn các khu vực khác. Phát biểu tại buổi lễ, thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ CA, yêu cầu các đơn vị CSPCCC & CNCH của 7 tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC & CNCH, đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an toàn PCCC & CNCH.

Kết thúc buổi lễ, các đơn vị đã tham quan Trung tâm thông tin chỉ huy thuộc Phòng CSPCCC & CNCH - CATP. Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng phòng CSPCCC & CNCH - CATP, đã giới thiệu những ứng dụng phần mềm Help 114 cùng nhiều ứng dụng của đơn vị đang thực hiện trong công tác PCCC & CNCH trên địa bàn. Từ năm 2019 - 2020, TPHCM ghi nhận 1.091 vụ cháy nổ, tai nạn, sự cố được các lực lượng tham gia chữa cháy, các đơn vị xuất xe không quá 1 phút từ khi nhận được thông tin. Lực lượng đã kịp thời tìm kiếm được 205 người và đưa ra khỏi đám cháy, tai nạn an toàn; tìm kiếm được 69 thi thể nạn nhân trong các vụ việc; 2 năm qua có trên 80% số vụ chữa cháy và CNCH được đánh giá thuộc loại khá, giỏi.

Do thường xuyên được tuyên truyền các bản tin, cảnh báo tình hình cháy nổ, tai nạn sự cố, biện pháp phòng ngừa cháy nổ và kiến thức, kỹ năng PCCC & CNCH của người dân đã được nâng cao. Từ năm 2019 - 2020, người dân cùng dân phòng, bảo vệ khu phố và lực lượng PCCC các đơn vị cơ sở đã kịp thời phát hiện, xử lý 1.778/2.268 vụ cháy nổ, tai nạn, sự cố (chiếm 78,39% tổng số vụ việc) ngay khi vừa phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Ứng dụng Công nghệ Help 114 vào việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn

Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng phòng CSPCCC & CNCH - CATP, cho biết, ứng dụng Help 114 có nhiều tính năng tác dụng. Người dân bấm vào nút 114 thì vị trí của người bấm sẽ hiển thị ngay trên bản đồ cả kinh độ, vĩ độ và lực lượng xác định được các trụ nước, đơn vị cấp cứu, CA... trong phạm vi bán kính 5km, 10km, 30km. Đơn vị đã nạp vào 7.800 trụ nước ở TPHCM trên hệ thống để khi lực lượng cứu hỏa có mặt sẽ dễ dàng lấy nước chữa cháy.

Khi nhận được thông tin người dân báo cháy, lực lượng sẽ phát tới tất cả người dân dùng ứng dụng và có thể phòng tránh hoặc đến hỗ trợ. Tạo nhiều bản tin tuyên truyền trên ứng dụng cho người dân theo dõi, mỗi ngày đơn vị nhận được gần 1.000 tin báo cháy nổ, sự cố thông qua ứng dụng Help 114, giúp công tác của lực lượng chức năng thêm hiệu quả.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng CSPCCC & CNCH - CATP, cho biết, khi có ứng dụng Help 114 thì lực lượng chữa cháy có thể xác minh được ngay thông tin báo sự cố là thật hay giả, nếu là giả thì có thể báo vị trí của đối tượng gây rối cho CA địa phương để xử lý. Ngoài ra, Trung tâm chỉ huy cũng có cơ chế ngăn không cho số điện thoại này được cài đặt ứng dụng nếu việc phá rối lặp đi lặp lại nhiều lần.

Phù Sa - Thạch Sanh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/vao-mua-hanh-kho-nang-cao-canh-giac-hoa-hoan_109366.html