Vào mùa kịch Tết
Những ngày cận Tết, các sân khấu kịch trong thành phố vẫn liên tục diễn phúc khảo cho hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa - thể thao TP.Hồ Chí Minh xem để kịp ngày tung ra những sản phẩm cho một mùa 'xôm tụ' nhất trong năm của làng kịch: mùa kịch Tết.
Năm nay, sàn diễn thu hẹp, khan hiếm kịch bản nên số lượng vở diễn mới cho mùa kịch Tết 2020 không quá 15 vở.
* Rực rỡ sắc màu
Thường các ông, bà bầu sân khấu luôn muốn tìm kiếm những kịch bản có màu sắc dân gian, cổ trang để dàn dựng phù hợp với không khí tưng bừng, rực rỡ của những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư những vở diễn có màu sắc cổ trang thường tốn gấp 3-4 lần những vở diễn thông thường. Từ phục trang, cảnh trí cho đến hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo… Trong những năm gần đây, khi tình hình sân khấu ngày càng khó khăn thì việc đầu tư quá cao cho một vở diễn khiến không ít ông, bà bầu e ngại.
Bỏ qua nỗi lo ngại đó, mùa kịch Tết năm nay khá nhiều sân khấu trình làng các sản phẩm mang màu sắc cổ trang, bắt mắt, rực rỡ. Mưu bà Tú (tác giả: Lê Hoàng, đạo diễn: Vũ Minh) của Sân khấu Idecaf gây ấn tượng bởi sự “độc và lạ” trong mùa kịch Tết năm nay. Vở được cảm tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lê Hoàng đã tung tẩy để các nhân vật cách đây mấy trăm năm cứ thế nhẩn nha trong một bối cảnh gián cách, có thể là họ ở thời xưa ơi là xưa, nhưng đôi lúc lại tỉnh queo trong bối cảnh hiện đại. Các nhân vật có thể là hư là thật, nói chuyện xưa chuyện nay với lời lẽ sắc sảo, trào lộng.
Sau màn “chào sân” khá ấn tượng với vở kịch mang màu sắc cổ trang Ngẫm Kiều, Sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn tiếp tục đầu tư vở nhạc kịch Bạch Xà truyện cho mùa kịch Tết năm nay. Với vở diễn này, Hồng Vân mở cửa đón các bạn trẻ là Thái Duy của nhóm Chuồn Chuồn Giấy cùng tham gia với sân khấu. Bạch Xà truyện (đạo diễn: Thái Duy - Hoài Tân) từng được Chuồn Chuồn Giấy diễn trong không gian kịch cà phê, khi đem về Sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn, Thái Duy đã có sự gia công để vở diễn trọn vẹn hơn (anh có xin phép đưa một số nhân vật từ kịch bản của soạn giả Hoàng Song Việt để bồi đắp vào kịch bản).
Với một câu chuyện đã quá quen thuộc nhưng ông bầu Minh Luân (phụ với nghệ sĩ Hồng Vân quản lý Sân khấu Hồng Vân - Chơ Lớn) cho biết: “Chúng tôi có những cách làm mới, đầu tư từ câu chuyện, cách dàn dựng, phục trang, kết hợp ba màn hình LED xử lý cảnh trí… để câu chuyện cũ vẫn có nét riêng và thu hút khán giả”. Vì muốn đầu tư kịch cổ trang thật sinh động, bắt mắt nên hiện kinh phí dồn cho Bạch Xà truyện đã lên tới cả trăm triệu đồng. Minh Luân “chóng mặt” cho biết đang làm liều với mong muốn sẽ có những sản phẩm mới lạ, chinh phục và thu hút khán giả đến với sân khấu nhiều hơn.
Sân khấu Thế giới trẻ mùa Tết năm nay cũng tung ra kịch bản Cuộc chiến sắc đẹp (kịch bản: Phan Ngọc Liên, đạo diễn: Ngọc Hùng) khai thác cuộc chiến tàn khốc của các người đẹp trong cung cấm.
* Tối lửa tắt đèn có nhau
Bên cạnh màu sắc cổ trang, mùa kịch Tết vẫn tiếp tục khai thác những câu chuyện tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Những khán giả yêu thích hài kịch và danh hài Hoài Linh có lẽ Tết này sẽ nôn nóng chờ anh trở lại với nhân vật Sáu Bảnh trong vở Nỗi lòng Sáu Bảnh (Ra giêng anh cưới em phần 2, tác giả: Lam Tuyền, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Ra Giêng anh cưới em ra mắt lần đầu khoảng năm 2004 với ê-kíp nghệ sĩ chủ lực của Sân khấu Nụ cười mới như Hoài Linh, Nhật Cường, cố nghệ sĩ Kim Ngọc, cố nghệ sĩ Hữu Lộc, Trịnh Kim Chi, Ngọc Trinh, Nhật Trung… Vở diễn ghi dấu ấn của Sân khấu Nụ cười mới với những mảng miếng hài rất duyên dáng. Tên các nhân vật cũng gắn liền với tên các nghệ sĩ như: Hoài Linh với vai Sáu Bảnh, Nhật Cường vai Năm Cự, cố nghệ sĩ Kim Ngọc vai bà Tám Sumo…
Sau khoảng 16 năm, Hoài Linh và Nhật Cường vẫn tiếp tục là đôi bạn già - sui gia kỵ rơ nhau Sáu Bảnh và Năm Cự. Bên cạnh đó là các diễn viên Ngọc Trinh, Hứa Minh Đạt, Tiết Cương, Nguyệt Ánh, Nam Thư, Thanh Tân… Vở sẽ diễn suốt từ mùng 1 đến mùng 9 Tết tại Nhà hát Bến Thành, xen kẽ với vở Lò heo quay đánh dấu lần đầu tiên nghệ sĩ Trấn Thành đảm nhiệm vai trò đạo diễn.
Tình làng nghĩa xóm còn thể hiện trong vở Mút chỉ Mút Cà Tha (tác giả: Ngọc Phụng, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với câu chuyện chờ đợi những bác sĩ trẻ đến với cù lao Mút Cà Tha hẻo lánh. Chuyện cũ mình bỏ qua (tác giả và đạo diễn: Bùi Quốc Bảo) của Thế giới trẻ là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của Liên và Dũng, khi họ phải thuyết phục ông Hai (ba Liên) bỏ qua định kiến để hai trẻ đến được với nhau.
Tía ơi, con lấy chồng (tác giả và đạo diễn: Hữu Quốc) của Nhà hát 5B cũng thấm đẫm màu sắc làng quê, nơi có những định kiến về không chồng mà có con, thân phận của người đồng tính nhưng sau tất cả nghĩa tình đã hóa giải. Ác nhân cốc (tác giả: Xuân Huy Hoàng, đạo diễn: Tuấn Khôi) của Idecaf khiến người ta đau rát về hình ảnh người phụ nữ mòn mỏi chờ chồng, nếu không có xóm giềng hẳn chị sẽ ngã quỵ. Tình yêu trời đánh (kịch bản: Hoàng Thái Thanh - Huỳnh Thanh Diệu, đạo diễn: Ái Như) của Hoàng Thái Thanh là một câu chuyện tình yêu đẹp theo mô típ hoàng tử và Lọ Lem…
Nhìn chung, các vở diễn Tết vẫn ưu tiên những kịch bản nhẹ nhàng, trên đường dây đó các nghệ sĩ tung mảng miếng hài đem lại cho khán giả tiếng cười rôm rả ngày Xuân. Mùa Tết theo truyền thống vẫn là mùa của sân khấu kịch nên các sân khấu xếp lịch diễn phục vụ khán giả dày đặc, từ 1-3 suất/ngày từ mùng 1 đến mùng 9 tết.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202001/vao-mua-kich-tet-2984430/