Vào Nam Phi để vào miền Nam châu Phi

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Nam Phi năm 2007 mới có 192 triệu đô la Mỹ, đến năm 2018 đạt 1,1 tỉ đô la, tăng 11% so với 2017 và cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào Nam Phi nói riêng và lục địa châu Phi nói chung vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam không dễ vượt qua.

 Nam Phi trở thành quốc gia phát triển mạnh và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Ảnh Vietravel.

Nam Phi trở thành quốc gia phát triển mạnh và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Ảnh Vietravel.

Hào hoa, thịnh vượng

Trên bản đồ, châu Phi tựa bàn tay khổng lồ thọc vào trùng dương rẽ Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Do nằm ở mỏm chóp cuối của châu lục này, nên Nam Phi được ôm hai mặt bởi đại dương, tạo nên bờ biển hình chữ V dài 3.000 ki lô mét.

Vị trí giao đôi giữa hai đại dương đã ban cho Nam Phi nhiều cảnh quan kỳ thú, được mệnh danh là “viên kim cương bí ẩn” của đại dương, với nguồn tài nguyên phong phú cộng với tiềm lực kinh tế dồi dào và khoa học kỹ thuật tiên tiến. Nam Phi trở thành quốc gia phát triển mạnh và là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của 14 nước trong Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).

Nam Phi là nước xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới, tuy vậy ngành công nghiệp khai thác vàng chỉ đóng góp khoảng 2% GDP của nước này, nghĩa là phần lớn GDP đến từ các ngành sức mạnh khác, trong đó có thương mại và du lịch. “Thứ nhất cận thị thứ nhì cận giang” mà đây là cận hai đại dương. Buôn bán với Nam Phi không chỉ nhắm vào chính đối tác này, mà còn hướng tới khu vực miền Nam châu Phi.

Thị trường hấp dẫn

Nhiều loại hàng Việt vào các siêu thị của Nam Phi, không chỉ có khách hàng bản địa lựa chọn mà còn có khách từ các nước lân cận đến mua sắm.

Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-12-1993. Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận, trong đó có Hiệp định Thương mại song phương (2000); Hiệp định về hợp tác du lịch (2010)...

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Nam Phi năm 2007 mới có 192 triệu đô la Mỹ, đến năm 2018 đạt 1,1 tỉ đô la, tăng 11% so với 2017 và trong nửa đầu năm 2019 đạt 551 triệu đô la. Tỷ trọng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Nam Phi trong tổng kim ngạch buôn bán hai chiều của Việt Nam với toàn châu Phi qua các năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019 lần lượt là 28,7%, 30,2%, 25,8%.

Trong quan hệ buôn bán với Nam Phi, Việt Nam luôn xuất siêu, năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019 lần lượt là 850 triệu, 343 triệu, và 283 triệu đô la. Nam Phi còn là địa bàn mà từ đó Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào châu Phi. Điều đó cho thấy Nam Phi có vai trò quan trọng và là cánh cửa để hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường châu Phi rộng lớn.

Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất sang Nam Phi phần lớn là hàng công nghiệp cao cấp như điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử. Một số hàng tiêu dùng khác tuy nhỏ nhưng có nhiều triển vọng do đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều cấp độ cư dân có sức mua khá. Nhiều loại hàng Việt vào các siêu thị của Nam Phi, không chỉ có khách hàng bản địa lựa chọn mà còn có khách từ các nước lân cận đến mua sắm.

Việt Nam nhập từ Nam Phi chủ yếu là kim loại, chất dẻo, sản phẩm hóa chất.

Hai bên còn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là trong nông nghiệp, bảo quản và dự trữ lương thực.

Buôn bán Việt Nam - Nam Phi đang tăng nhưng vẫn còn dư địa để tăng tiếp, đặc biệt trong những lĩnh vực thế mạnh mà hai bên có thể bổ sung cho nhau như sản xuất - chế biến thực phẩm, thủy hải sản. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tự do Nam Phi (27-4-1994 đến 27-4-2019), hai nước đã đồng thuận sẽ nâng kim ngạch hai chiều lên 2 tỉ đô la trong năm năm tới.

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng hiện thực hóa mục tiêu này không phải dễ. Khó khăn lớn nhất là làm sao cạnh tranh được với hàng hóa đến từ Trung Quốc - đối tác thương mại chiếm 13,7% kim ngạch xuất khẩu và 13,4% kim ngạch nhập của Nam Phi. Các chủ hàng Trung Quốc, với ưu thế trường vốn đã “thả thính” câu khách bằng việc bán hàng trả chậm, thách thức với các đối thủ cạnh tranh vốn ngắn.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292202/vao-nam-phi-de-vao-mien-nam-chau-phi-.html