Vào rừng viết bài về lâm tặc phá rừng
Các nhà báo tác nghiệp tại khu vực rừng bị tàn phá. Ảnh: XUÂN TRIỆU
Cách đây một năm, tôi cùng đồng nghiệp nhiều lần vào khu vực rừng giáp ranh giữa hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh để phản ánh về tình trạng lâm tặc ngang nhiên mở đường phá rừng. Qua đó đã giúp tôi có những bài học quý về nghề báo.
Tìm lối vào rừng
Tháng 5/2020, nhà báo Nguyên Linh (VTV8) tiếp nhận được nguồn tin về tình trạng phá rừng ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Chị đã trao đổi với tôi và Trung Thi (Báo Dân trí) cùng tham gia điều tra.
Theo kế hoạch, anh Xuân Hiệp (lái xe của VTV8) chở Nguyên Linh, Huỳnh Danh, Trung Thi và tôi cùng đi tác nghiệp. Trên xe, nhiều phương án được chúng tôi bàn bạc, thống nhất để cùng hành động. Lên đến nơi, bằng các “mối thân”, nhà báo Nguyên Linh đã tìm được một “giao liên”.
Chúng tôi thay phiên nhau hết ngồi xe máy rồi lại đi bộ theo “giao liên” để vào rừng. Sau hai tiếng đồng hồ “xà quần”, dù chưa vào được nơi có phá rừng, “giao liên” đã bỏ cuộc với lý do: ngày nào em cũng vào rừng kiếm cơm, nhỡ lộ ra em dẫn nhà báo vào rừng thì chết…!
Phương án một tưởng thuận lợi lại bất thành, chúng tôi phải tìm cách tự vào rừng. Theo phân công, tôi và Trung Thi quay về khu điều hành của Thủy điện Sông Hinh mượn xe máy. Nguyên Linh và Huỳnh Danh ở lại tiếp tục dò hỏi người dân xung quanh về hướng đi vào rừng.
12 giờ trưa, tôi và Thi chạy hai chiếc xe vừa mượn được ngược vào rừng. Dọc đường, những người khai thác gỗ keo đã nghỉ ăn trưa. Sực nhớ, mình chẳng chuẩn bị đồ ăn gì trước khi đi nên tôi đánh liều vào trại của một người dân “mượn” 4 gói mì tôm và hai chai nước lọc.
Vào đến điểm hẹn, cả bốn người chia nhau mì gói và nước uống… Sau bữa trưa với “đồ ăn nhanh”, chúng tôi chia nhau trên hai xe máy thẳng tiến vào rừng. Trung Thi chở Nguyên Linh, tôi chở Huỳnh Danh cùng với máy móc gọn nhẹ. Dọc đường, vì liên tục lên dốc rồi đổ dốc nên chiếc xe máy cũ mà tôi cầm lái bị bó sát bố thắng, chân thắng gãy. Xe mất thăng bằng ngã đè lên suýt chút nữa tôi bị gãy chân... Giữa trưa nắng như đổ lửa chỉ có bốn phóng viên dò dẫm hết đường này đến đường khác; trèo hết dốc này đến dốc khác khắp khu rừng. Vậy nhưng phía trước đâu là đường vào rừng thì không ai biết…
Phương án hai thất bại, chúng tôi bàn bạc “sử dụng biện pháp nghiệp vụ” để có người dẫn đường vào rừng. Khoảng 14 giờ, cán bộ của Hạt Kiểm lâm Sông Hinh có mặt. Hạt trưởng Nguyễn Văn Toàn nói với chúng tôi: đường vào rừng rất vất vả. Xe máy chỉ đi được một đoạn, còn lại đi bộ, leo dốc núi khoảng 6-7km… Vì không đủ xe nên chỉ có thể đưa hai phóng viên vào vị trí rừng bị phá.
Tôi có kinh nghiệm quay phim, máy quay nhỏ gọn nên có suất ưu tiên. Người còn lại hăng hái xung phong vào rừng là nhà báo Nguyên Linh. Vậy là một nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa chở Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Hinh dẫn đường. Xe kia tôi chở Nguyên Linh tiến thẳng vào rừng.
Đường vào rừng, lúc lội suối, khi leo dốc. Nước mang theo không đủ uống. Đến nơi có con suối lớn, chúng tôi nghỉ chân để lấy nước mang theo. Vị trí này cũng là “đại bản doanh” của lâm tặc.
Đi bộ thêm 30 phút, chúng tôi vào đến nơi rừng bị phá. Lâm tặc mở con đường lớn để vào rừng. Dọc đường, chúng chọn những cây gỗ to, chặt hạ rồi xẻ thành ván. Nhiều tấm còn sót lại chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng. Tôi và nhà báo Nguyên Linh phối hợp cùng tác nghiệp. Hai người còn lại trở thành “diễn viên”. Chúng tôi cố gắng thực hiện những động tác máy thật nhanh mà chuẩn; dẫn hiện trường và phỏng vấn ngắn nhưng phải đủ ý để kịp ra khỏi rừng vì mặt trời đã tắt…
Tháng 9/2020, chúng tôi trở lại khu vực rừng bị phá lần thứ hai để kiểm chứng và phản ánh việc quy mô vụ phá rừng bị phá lớn hơn nhiều lần so với báo cáo ban đầu. Ngoài tôi, Nguyên Linh, Trung Thi có thêm nhà báo Minh Trí (Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên). Mặc dù đã vào rừng một lần nhưng vẫn cần người dẫn đường nên chúng tôi liên hệ với UBND xã Sơn Thành Tây để được hỗ trợ.
Khác lần trước, chúng tôi đi bộ từ đầu đến cuối vì sau đợt mưa không có xe nào có thể đi vào rừng. Vào đến nơi có suối lớn, người dẫn đường ngồi nghỉ vì chân đau. Chúng tôi tự đi tiếp vì đã thạo đường. Thay vì nhánh rẽ lần trước nay lệch sang hướng khác. Hiện trường rừng bị phá đúng là rất lớn. Chúng tôi chia nhau quay phim, chụp ảnh, dẫn hiện trường.
Bỗng nhiên nghe đùng! Có tiếng súng nổ. Tôi và Trung Thi hết hồn vội gọi Nguyên Linh đang loay hoay vạch từng vạt cây gai tìm chỗ lâm tặc giấu gỗ. Chúng tôi thu gọn máy móc và rút khỏi hiện trường. Thú thực, khi ấy tôi sợ bị lâm tặc “bắn nhầm”.
Trên đường ra khỏi rừng, người dẫn đường truyền cho chúng tôi kinh nghiệm: vào rừng không nên đi vào các bụi cây. Trong rừng vẫn có người đi săn, đặt bẫy bắt thú. Ngộ nhỡ mình trúng bẫy, trúng đạn thì chỉ có đường “ở lại rừng” luôn…
Bài học nghề báo
Sau loạt tin, bài phản ánh của các cơ quan báo chí về việc lâm tặc ngang nhiên mở đường vào phá rừng giáp ranh ở huyện Tây Hòa và Sông Hinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án; khởi tố 35 người có liên quan với các tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Người xưa có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” quả thật không sai. Lợi nhuận đã làm con người, kể cả những người có trách nhiệm bảo vệ rừng bất chấp luật pháp.
Riêng với tôi, chuyện vào rừng theo dấu chân của lâm tặc không chỉ đơn thuần là những bài báo mà còn là bài học làm nghề. Một triết lý viết báo tiếp tục được khẳng định đó là: “đi rồi hãy viết”, “sống rồi hãy viết”… Có những lúc bản thân muốn “quay đầu” vì những quãng đường khó trước mặt, vì những lời đe nẹt. Nhưng khi đã vào đến nơi, nhìn thấy rừng bị cày xới… tôi thấy mình phải theo đuổi và phản ánh thực tế đó. Tôi và những đồng nghiệp vào rừng nhiều lần không phải để hình ảnh mình nổi bật mà để ghi lại và chuyển tới độc giả những hình ảnh chân thực nhất; để ngòi bút mình được thật nhất.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, với những phóng viên trẻ như tôi những lần thực hiện các tin bài điều tra cùng đồng nghiệp là một lần thêm trưởng thành. Xin phép không kể ra đây những “biện pháp nghiệp vụ” mà chúng tôi đã sử dụng. Nhưng quả thật, sức mạnh tập thể và sự khôn khéo của từng phóng viên đã giúp cho loạt bài báo viết về sự việc phá rừng giáp ranh ở huyện Tây Hòa và Sông Hinh đi đến được cái kết cuối cùng.
Câu chuyện phá rừng giáp ranh đã khép lại. Nước mắt của nhiều người đã rơi. Cũng có người phải nén chịu đựng chờ được minh chứng sự vô can… Tôi muốn một ngày nào đó được trở lại nơi rừng từng bị phá. Lúc đó, có khi những chồi mới từ gốc cây cũ đã lớn. Trên con đường mòn vào rừng, hoa mua rừng bung nở bên con đường mòn bị cào xới năm xưa… Tôi mong chờ điều đó để được viết một bài báo khác với tiêu đề: “Rừng đã sống lại”…
Riêng với tôi, chuyện vào rừng theo dấu chân của lâm tặc không chỉ đơn thuần là những bài báo mà còn là bài học làm nghề. Một triết lý viết báo tiếp tục được khẳng định đó là: “đi rồi hãy viết”, “sống rồi hãy viết”… Có những lúc bản thân muốn “quay đầu” vì những quãng đường khó trước mặt, vì những lời đe nẹt. Nhưng khi đã vào đến nơi, nhìn thấy rừng bị cày xới… tôi thấy mình phải theo đuổi và phản ánh thực tế đó.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/258008/vao-rung-viet-bai-ve-lam-tac-pha-rung.html