Vào tù vì trục lợi từ chính sách ưu đãi
Trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, Diệp Văn Thạnh (sinh năm 1968) đã chỉ đạo cấp dưới và cơ quan chuyên môn, cố ý làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Diệp Văn Thạnh phớt lờ, bỏ qua ý kiến phản ánh của cấp dưới khi phát hiện tình trạng cò đất lợi dụng chính sách, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Cán bộ cấu kết với cò đất trục lợi
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh vừa hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 15 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, trong đó Diệp Văn Thạnh được xem như đối tượng đầu vụ.
Năm 2009, Diệp Văn Thạnh giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị xã Trà Vinh (nay là TP Trà Vinh), phụ trách khối quản lý đô thị, ký các hồ sơ có liên quan đến nhà đất. Căn cứ Quyết định 118 của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2009, UBND TP Trà Vinh triển khai thực hiện cho người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Diệp Văn Thạnh ký 2 công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường, Chi cục thuế, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Trà Vinh, thực hiện trái với quyết định của Thủ tướng, tạo điều kiện cho cò đất, chủ đất lợi dụng chính sách ưu đãi và sự khó khăn của các gia đình chính sách, hợp thức hóa hồ sơ để được miễn, giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Trần Mười làm nghề môi giới nhà đất nên biết được chủ trương hỗ trợ cho người có công mà thành phố đang triển khai. Mười thường làm các hồ sơ nhà đất nên quen biết Lý Kiến Trung (Phó phòng Tài nguyên - Môi trường), tiếp nhận hồ sơ, thẩm định điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất.
Mười cấu kết với Trung và một số cò đất tìm các gia đình chính sách, sau đó lập hợp đồng chuyển nhượng khống, hoặc cho tặng quyền sử dụng đất để gia đình chính sách đứng tên, hợp thức hóa hồ sơ chuyển nhượng từ đất không phải đất ở thành đất ở để được miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Sau khi hợp thức hóa hồ sơ chuyển nhượng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng, các cò đất và chủ đất có sự giúp sức của cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường lập hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất lại cho chủ thật sự hoặc chuyển sang người khác đứng tên để không đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất, gây thất thu cho ngân sách.
Trần Ngọc Long là Giám đốc doanh nghiệp ở TP Trà Vinh. Sau khi biết được chính sách ưu đãi cho người có công, đã tìm cách làm quen với Lý Kiến Trung. Trung giới thiệu cho Long gặp cò đất Trần Thanh Vũ để trao đổi, làm thủ tục ghép nối hợp thức hóa hồ sơ miễn tiền sử dụng đất.
Hai người thống nhất, chi phí thực hiện là 100 triệu đồng. Vũ đã tìm được hai gia đình chính sách là bà Trương Thị Xê (sinh năm 1942, xã Long Đức, TP Trà Vinh và bà Nguyễn Thị Chua (sinh năm 1946, xã Tân Bình, huyện Càng Long), mua lại chế độ chính sách. Sau đó, Vũ làm các thủ tục chuyển nhượng khống để miễn tiền sử dụng đất, đối với hai thửa đất của Long ở phường 8, TP Trà Vinh.
Hoàn tất các thủ tục, Long được hưởng lợi gần 850 triệu đồng, đưa cho Vũ 100 triệu đồng. Số tiền này, Vũ đưa cho hai gia đình chính sách 60 triệu đồng, đưa cho Trung 10 triệu đồng và giữ lại 30 triệu đồng.
Sau phi vụ này, Trung tiếp tục giới thiệu cho Long kết nối với Trần Mười, tìm các gia đình chính sách ghép hồ sơ miễn giảm tiền sử dụng đất hai thửa đất ở phường 6, TP Trà Vinh. Mười nhận hai hồ sơ này và ra giá 120 triệu đồng. Mười tìm đến nhà bà Trần Thị Vĩ (sinh năm 1944, gia đình chính sách ở xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang), đồng thời cò đất là Huỳnh Công Chúc tìm gia đình chính sách là bà Nguyễn Thị Tím (sinh năm 1931, ở xã Long Đức, TP Trà Vinh).
Mười làm thủ tục chuyển nhượng khống, hợp thức hóa hồ sơ cho Long và được miễn số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Sau khi nhận 120 triệu đồng từ Long, Mười trừ các chi phí còn 35 triệu đồng. Số tiền này, Mười đưa cho Lý Kiến Trung 15 triệu đồng, còn lại sử dụng cá nhân.
Ngoài 4 hồ sơ trên, Trung còn nói Lữ Thị Thảo Trang (nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TP Trà Vinh) rằng Long cần tìm gia đình chính sách ghép nối làm hồ sơ miễn giảm tiền sử dụng đất. Sau đó Trang giới thiệu Võ Thị Thu Trang đến nhà bà Nguyễn Thị Bé (sinh năm 1950, ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè). Sau khi có hồ sơ gia đình chính sách, Võ Thị Thu Trang làm hồ sơ, lập hợp đồng khống chuyển nhượng để Long được miễn 100% tiền sử dụng đất, hơn 400 triệu đồng. Long đưa cho Trang 50 triệu đồng. Số tiền này, Trang đưa cho Trung 10 triệu đồng, cho gia đình chính sách gần 8 triệu đồng.
Từ năm 2016 đến năm 2017, Long hợp thức hóa chuyển mục đích 5 thửa đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị, trục lợi hơn 3 tỷ đồng. Trung thừa nhận có bàn bạc việc lấy chế độ chính sách để chuyển mục đích cho Long nhưng không đặt vấn đề nhận tiền. Theo cơ quan điều tra, Mười thực hiện rất nhiều hồ sơ, trong đó có 21 hồ sơ miễn giảm sai đối tượng, gây thiệt hại hơn 7,3 tỉ đồng. Mười hưởng lợi số tiền gần 230 triệu đồng. Trần Thanh Vũ và Huỳnh Công Chúc cùng làm nghề cò đất, có quan hệ với Trung.
Vũ cấu kết với lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường tìm mua chế độ chính sách, hợp thức hóa việc miễn tiền sử dụng đất. Vũ đã làm 6 hồ sơ, gây thất thoát hơn 2,7 tỷ đồng. Chúc thực hiện 19 hồ sơ, gây thất thoát gần 6,3 tỷ đồng. Bị can Lê Hoàng Anh tham gia 6 bộ hồ sơ, gây thất thoát ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng.
Từ năm 2014 đến tháng 9/2017, bị can thực hiện việc tìm và ghép nối, hợp thức hóa hồ sơ cho 5 chủ đất và đứng ra thỏa thuận bán chế độ chính sách của bà Đoàn Thị Biểu (bà nội của Hoàng Anh) cho Trần Mười, ghép nối với chủ đất Lê Tuyết Phụng, hợp thức hóa hồ sơ miễn giảm 470 triệu đồng.
Gây thất thoát 70 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, từ năm 2009 đến tháng 7/2018, Diệp Văn Thạnh và Trần Trường Sơn, ký quyết định cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất 315 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 70 tỷ đồng. Diệp Văn Thạnh ký 39 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, Trần Trường Sơn ký 276 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng. Nhóm cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường, thực hiện hành vi sai phạm thông qua việc tiếp nhận, thẩm định và tham mưu sai cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất sai đối tượng, với 315 hồ sơ.
Các bị can nguyên là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên có hành vi cấu kết với cò đất, làm khống thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, không phải đóng tiền. Riêng chủ đất với sự giúp sức của cò đất, không phải là người có công, lợi dụng chính sách thực hiện các giao dịch dân sự, trốn tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích.
Tháng 6/2019, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và lần lượt khởi tố 15 bị can liên quan. Diệp Văn Thạnh và Trần Trường Sơn, bị cách chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh vì những sai phạm nêu trên.
Diệp Văn Thạnh bị cáo buộc đã cố ý chỉ đạo cấp dưới làm trái quyết định 118 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Công văn 10466 của Bộ Tài chính và Công văn số 315 của UBND tỉnh Trà Vinh, dẫn đến việc ký sai 315 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 70 tỷ đồng.
Năm 2014, tại một cuộc họp giao ban, bị can Nguyễn Văn Chiến, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến phản ánh hiện tình trạng cò đất lợi dụng chính sách dành cho người có công, hợp thức hóa hồ sơ để hưởng lợi. Diệp Văn Thạnh, với vai trò là Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, không chỉ đạo chấn chỉnh mà tiếp tục cho thực hiện việc miễn giảm gia đình chính sách như trước đây.
Cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh cũng không báo cáo UBND tỉnh và không có ý kiến chấn chỉnh tình trạng này. Năm 2016, Lê Hữu Lễ, Trưởng phòng và Lý Kiến Trung, Phó trưởng phòng tiếp tục phản ánh tình trạng mua bán chế độ chính sách, cò đất cấu kết với chủ đất, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng. Diệp Văn Thạnh cũng không chỉ đạo chấn chỉnh mà tiếp tục cho thực hiện, trực tiếp và cùng với cấp phó ký các thủ tục quyết định cho chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất với rất nhiều hồ sơ sai về đối tượng.
Việc này diễn ra trong một thời gian rất dài, dẫn đến việc một số cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường cấu kết với cò đất, chủ đất mua bán chế độ chính sách, trục lợi cá nhân. Theo cơ quan tố tụng, đây là vụ án gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước mang tính đặc biệt nghiêm trọng, do Diệp Văn Thạnh cùng cấp dưới thực hiện. Trong quá trình điều tra, có 86 hồ sơ của chủ đất đã nộp số tiền gần 20,5 tỷ đồng.
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Trà Vinh có kết luận thanh tra sai phạm thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công tại 7/9 huyện ở Trà Vinh, gây thất thu ngân sách số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Thanh tra tỉnh Trà Vinh kiến nghị chuyển 15 hồ sơ tại huyện Châu Thành, liên quan đến 13 chủ đất và 9 người môi giới đã cấu kết với nhau, thực hiện trục lợi chính sách, gây thất thoát 2,5 tỷ đồng. 3 hồ sơ tại huyện Càng Long cũng được kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ hành vi lợi dụng gia đình chính sách để trục lợi, gây thất thu gần 800 triệu đồng.
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có công, UBND các huyện đã có những hạn chế khuyết điểm, vi phạm. Lãnh đạo thiếu kiểm tra để một số công viên chức, nhân viên thiếu gương mẫu cùng với người khác, lợi dụng chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất nhằm trục lợi.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/vao-tu-vi-truc-loi-tu-chinh-sach-uu-dai-601849/