Vào viện giữa khuya do coi thường tê đầu ngón tay
Nhiều trường hợp bị tê đầu ngón tay, chân nhưng xem nhẹ triệu chứng, trong khi đó là hệ quả của bệnh nặng tắc mạch máu chi mà không hay biết.
Sáng 17-2, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho hay nơi đây vừa cứu kịp nhiều trường hợp tắc mạch máu chi mà không hay biết. 3 giờ sáng, bà H.T.G. (70 tuổi, ở An Giang) cảm thấy mệt mỏi, nóng sốt nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa An Giang, tại đây tay phải của bà bắt đầu đau nhức dữ dội, các ngón tay cứng đơ, tím tái. Các bác sĩ chẩn đoán bà G. bị tắc động mạch cánh tay phải.
Chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, được các bác sĩ chỉ định chụp MRI cho kết quả tắc hoàn toàn động mạch cánh tay phải, bà G. nhanh chóng được chuyển vào phòng DSA hút huyết khối, không lâu sau đó bà G. đã được thông động mạch quay, tay ấm, hết đau nhức.
Trường hợp thứ hai là ông P.T.L. (65 tuổi, ở Cần Thơ), thường xuyên chóng mặt, ngất, tê tay chân phải. Nhập viện với chẩn đoán ban đầu là có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, nghẽn tắc và hẹp động mạch cảnh trong trái, kèm theo tăng huyết áp vô căn (nguyên phát).
Các bác sĩ kết luận ông bị bệnh mạch máu ngoại biên không đặc hiệu, tắc động mạch chậu ngoài hai bên và đã can thiệp nong và đặt stent động mạc. Sau khi can thiệp, sức khỏe ông L. cũng phục hồi tốt hết chóng mặt, không còn tê tay và chân phải.
ThS-BS Nguyễn Lưu Giang, Trưởng Đơn vị DSA Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết trước đây khi chưa có can thiệp nội mạch, những trường hợp này sẽ sử dụng thuốc làm tan cục huyết khối hoặc sẽ mổ hở. Can thiệp nội mạch là thủ thuật ít xâm lấn, tỉ lệ thành công rất cao, gần như tái thông hoàn toàn.
Bệnh nhân chỉ có vết thương khoảng 1-2mm, ít đau, thời gian nằm viện chỉ khoảng 2 ngày là xuất viện.