Vào vụ cá Nam

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân các địa phương ven biển của tỉnh đang tập trung vươn khơi, bám biển để đánh bắt vụ cá Nam. NGƯ DÂN HĂNG HÁI RA KHƠI

Vụ cá Nam thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Đây là vụ đánh bắt hải sản mang lại thu nhập chính cho ngư dân trong năm.

Sau gần 20 ngày đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, tàu cá QNg 94149 TS chuyên hành nghề lưới rút do ngư dân Nguyễn Ngọc Nghiêm, ở xã Bình Châu (Bình Sơn), làm thuyền trưởng đã cập cảng neo trú Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để bán cá. Tàu của ngư dân Nghiêm đánh bắt được hơn 40 tấn cá, giá bán 30 nghìn đồng/kg, thu được 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, trả công cho bạn thuyền, gia đình ông Nghiêm lãi hơn 200 triệu đồng.

Ngư dân chuyển cá lên bờ tại cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).

Ngư dân chuyển cá lên bờ tại cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).

Ngay sau khi bán hết cá, ông Nghiêm nhanh chóng đặt đá cây, bơm dầu, chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Ông Nghiêm chia sẻ, đây là phiên biển thứ 2 liên tiếp tàu tôi trúng đậm cá ngừ. Thời tiết đang thuận lợi nên chúng tôi chỉ nghỉ 2 ngày rồi tiếp tục vươn khơi, đánh bắt hải sản. Nghề biển chỉ có mấy tháng nắng nên phải tranh thủ ra khơi để mùa mưa bão nghỉ ngơi, sửa chữa tàu thuyền.

Cách đó không xa, tàu của ngư dân Võ Hái, cũng ở xã Bình Châu, cùng các bạn tàu đang hối hả vận chuyển đá cây, lương thực, thực phẩm lên tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đánh bắt dài ngày ở quần đảo Trường Sa. “Đối với ngư dân, vụ cá nam là vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm do thời tiết thuận lợi, biển êm, các luồng cá xuất hiện nhiều. Để chuẩn bị cho vụ cá nam năm nay, ngay từ đầu năm tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa máy móc, làm nước, lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình tàu cá, máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò cá”, ông Võ Hái cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác trên biển của tỉnh đạt trên 150 nghìn tấn (56,6% kế hoạch năm), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù giá xăng, dầu không ổn định và có chiều hướng tăng, nhưng thời tiết thuận lợi cho tàu thuyền công suất lớn đánh bắt dài ngày. Đối với các tàu công suất nhỏ, ngư dân hoạt động đánh bắt thủy sản nhiều chuyến trong tháng hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với tàu đánh bắt xa bờ, những ngày này, hàng trăm chiếc tàu đánh bắt gần bờ cũng thi nhau cập cảng bốc dỡ hải sản bán cho thương lái. Ngay sau đó, các chủ tàu tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi. “Tàu tôi thường xuất phát vào 1 giờ sáng, ra vùng biển cách bờ khoảng 40 hải lý để khai thác hải sản, đến tầm 3 - 4 giờ chiều sẽ cập cảng Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) để bán cá. Ngày nào chúng tôi cũng đi đánh bắt. Hôm nay, sau 1 ngày vây lưới, tàu tôi thu được 4,5 tạ cá chuồn, cá chủa. Với giá bán 50 nghìn đồng/kg cá chuồn, mỗi lao động cũng kiếm được 1,5 triệu đồng”, ngư dân Trần Kia, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), bày tỏ.

ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ NGƯ DÂN

Để hỗ trợ ngư dân, ban quản lý các cảng cá duy trì lực lượng túc trực sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng và bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển bốc dỡ hải sản được thuận lợi.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Ngư trường xuất hiện nhiều loại cá như nục, chuồn, ngừ. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra chỉ tiêu sản lượng thủy sản đánh bắt đạt 265 nghìn tấn. Để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam; cung cấp các thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để ngư dân chủ động vươn khơi đánh bắt.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh tích cực vươn khơi, khai thác hải sản.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trong tỉnh tích cực vươn khơi, khai thác hải sản.

Cùng với đó là, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu cá; đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại trong khai thác cũng như bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm an toàn khi hoạt động trên biển. Nhân rộng mô hình tổ, đội liên kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển như thu mua hải sản, cung cấp nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí sản xuất.

Cùng với khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác vụ cá Nam, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của trung ương và khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202407/vao-vu-ca-nam-65a1721/