Vật đặc biệt Trung tướng Phạm Tuân mang vào vũ trụ cách đây 40 năm

Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân có những chia sẻ đặc biệt với VietNamNet sau tròn 40 năm chinh phục vũ trụ.

Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ông trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tròn 40 năm chuyến bay vào vũ trụ, ông chia sẻ gì về hoàn cảnh và cảm xúc lúc bấy giờ?

Thời điểm đó đất nước ta vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ cứu nước, còn rất nhiều khó khăn. Trong cuộc chiến đó, Liên Xô đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều và hiệu quả. Cuộc chiến thắng lợi thể hiện sức mạnh tổng hợp của phe các nước XHCN.

Đến năm 19878 - 1979, Liên Xô muốn mời chúng ta tham gia vào chương trình vũ trụ quốc tế Intercosmos. Qua đó, Liên Xô muốn thể hiện sức mạnh của phe XHCN khi chúng ta đã đoàn kết chiến thắng được đế quốc, đồng thời muốn thể hiện sức mạnh đó ở tất cả các mặt, trong đó có khoa học công nghệ và khoa học kỹ thuật.

Trung tướng Phạm Tuân

Trung tướng Phạm Tuân

Bối cảnh tuy khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước quyết tâm gửi người vào chương trình bay để thể hiện đất nước ta không chỉ có đánh giặc, giữ nước, giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc mà còn có khả năng cùng với các nước bước vào những đỉnh cao của khoa học công nghệ đó là khoa học vũ trụ.

Quá trình thi tuyển phi công khắt khe như thế nào và ông đã trải qua những gì?

Chọn phi công theo tiêu chuẩn chương trình Intercosmos. Các phi công Việt Nam được tham gia rất nhiều, tuyển chọn trong 6 - 7 tháng. Người được chọn phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, sự hiểu biết, nhận thức về vũ trụ, phù hợp với tiêu chuẩn của chương trình.

Trải qua nhiều vòng, sang đến Liên Xô có 4 người. Đó là anh Nguyễn Văn Cốc, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Văn Kháng và tôi, lúc đó đang học ở Liên Xô.

Sau gần một tháng khám tuyển ở BV Trung ương quân đội Moskva thì Hội đồng khoa học quốc gia cho gọi 4 người chúng tôi đến để công bố, lúc đó ai cũng hồi hộp.

Tôi được gọi vào đầu tiên và cảm giác lúc đó giống như thi hoa hậu. Không ngờ vừa vào thì trưởng đoàn và tất cả thành viên của Hội đồng bắt tay chúc mừng và tôi cùng anh Bùi Thanh Liêm được chọn.

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko. Ảnh: Tư liệu

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko. Ảnh: Tư liệu

Sau đó chúng tôi luyện tập ở trung tâm vũ trụ khoảng 16 tháng. Tôi chỉ biết mình là phi công bay chính trước giờ bay 3 ngày. Ngày 21/7/1980, Hội đồng công bố quyết định ai sẽ là người bay chính thức. Tôi cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko được xướng tên bay cùng nhau. Hàng loạt công việc phải chuẩn bị, từ việc kiểm tra những công việc cần làm trên vũ trụ, sắp xếp thứ tự các hành động.

Ông chuẩn bị như thế nào cho chuyến bay lịch sử?

Khoảng thời gian trước khi bay 2 tiếng, tôi có suy nghĩ bất an chẳng may mình gặp nạn nhưng xác suất không lớn. Suy nghĩ thoáng qua không làm tôi nao núng, vì quá trình tập luyện đã rất tin tưởng vào phi hành đoàn.

Người bay cùng với tôi là một trong 21 phi công đầu tiên của đội bay vũ trụ Liên Xô. Trước đó ông đã bay 2 chuyến vào vũ trụ, kinh nghiệm từ ông ấy cũng tác động đến tôi nhiều.

Bay vào vũ trụ thì rất hạn chế khối lượng và trọng lượng mang theo, đối với cá nhân chỉ được mang thư từ, ảnh của gia đình. Ngoài ra, tôi được giao nhiệm vụ mang một nắm đất Ba Đình, một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh Bác Hồ, ảnh ông Lê Duẩn, 2 huy hiệu Bác Hồ và cờ Tổ quốc. Tất cả những thứ đó được mang lên, đóng dấu trên tàu, được ghi nhận chính thức đã vào vũ trụ.

Đúng 1h33 ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội) tại sân bay vũ trụ Baikonur (Liên Xô) tàu vũ trụ Liên hợp 37 do Gorbatko và tôi điều khiển đã phóng lên vũ trụ. Khi cờ Tổ quốc Việt Nam được mang lên, chúng ta chính thức có tên trong bản đồ du hành vũ trụ quốc tế.

Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân cùng các đại biểu tham quan Khoang đổ bộ của Tàu Liên hợp Vũ trụ 37. Ảnh BTPKKQ

Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân cùng các đại biểu tham quan Khoang đổ bộ của Tàu Liên hợp Vũ trụ 37. Ảnh BTPKKQ

Ở trong không gian tổng cộng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút. Tàu chúng tôi thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất, tiến hành hơn 30 thí nghiệm viễn thám hàng không, hòa tan các mẫu khoáng chất và các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quả đất tròn xoay nằm lơ lửng giữa một không gian xanh thẳm, trong không gian không trọng lực, cảm giác rất đặc biệt. Thú vị thứ hai là ngày đêm chỉ kéo dài trong 90 phút, trong đó 60 phút ban ngày, 30 phút là đêm.

Tàu bay qua tất cả các nước, nhìn qua cửa sổ tôi thấy sao lấp lánh, to hơn và cũng sáng hơn nhiều vì không gian tinh sạch, rồi cảnh mặt trời, mặt trăng. Tôi đã cố gắng tìm dải đất hình chữ S thân thương để ngắm nhìn. Trước đó tôi cũng lái máy bay rất nhiều nhưng để bay cao như thế thì có lẽ cả đời chỉ có một, cảm giác quá tự hào.

Chuyến bay của ông có gặp phải vấn đề gì và ông đã xử lý thế nào?

Xảy ra một trục trặc, đó là khi bay lên chuẩn bị lắp ghép, đúng ra phải quay 180 độ để tăng tốc độ tiếp cận con tàu mẹ, nhưng đến khi quay được 90 độ thì hỏng mất hệ thống quay. Chúng tôi kiểm tra mãi không được đành tắt máy và chờ sau gần 90 phút. Đội bay Bungari - Liên Xô trước đó cũng đã xảy ra trục trặc và lắp ghép không thành công, họ phải quay về Trái Đất không tiếp tục được hành trình, nên tôi khá lo lắng.

Khi bay qua Moskva vào vùng liên lạc trung tâm điều hành mặt đất hướng dẫn sửa chữa, con tàu đã khắc phục được. 3h3 ngày 25/7/1980 (giờ Hà Nội), tàu ghép nối thành công với tổ hợp quỹ đạo “Chào mừng 36”.

Trung tướng Phạm Tuân

Trung tướng Phạm Tuân

Gần một ngày trước khi quay trở lại trái đất, chúng tôi thực hiện thao tác đổi tàu, để tàu mới lại mang tàu cũ về. 22h15 ngày 31/7/1980, tàu hạ cánh xuống Kazakhstan, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã gắn lên ngực tôi Ngôi sao đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin.

Trong suốt 40 năm qua, theo dõi khoa học, công nghệ vũ trụ của nước ta, ông có đánh giá như thế nào?

Chuyến bay đã trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Chuyến bay đầu tiên này cũng là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam.

Việt Nam hiện nay mặt bằng công nghệ còn thấp, đặc biệt là công nghệ cao nhưng nói thế không phải chúng ta không trí tuệ, không phát triển được. Việt Nam nhiều người giỏi, người tài. Muốn ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vũ trụ vào mục đích sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thì chúng ta cần có chiến lược cụ thể.

Chúng ta một mặt tự lực tự cường nhưng phải hợp tác sâu rộng với quốc tế để tận dụng khoa học kỹ thuật.

Hy vọng thế hệ trẻ hôm nay với đầy đủ trang thiết bị, có tri thức, có trình độ sẽ tiếp nối những nghiên cứu khoa học, phục vụ sự phát triển của đất nước.

Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng Không quân nhân dân năm 1965.

Năm 1972, ông trở thành người đầu tiên bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ. Một năm sau, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Ông được phong Anh hùng Lao động Việt Nam năm 1980, ông cũng trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lê nin.

Ông tốt nghiệp Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô) năm 1982.

Ông từng giữ chức Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Không quân, Phó Chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Từ năm 2000, ông mang quân hàm Trung tướng, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Cuối năm 2007, ông nghỉ hưu.

Thành Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-phong/vat-dac-biet-trung-tuong-pham-tuan-mang-vao-vu-tru-cach-day-40-nam-660310.html