Vật giá leo thang bắt đầu vượt ngưỡng chịu đựng của người dân Nhật Bản
Trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, người dân Nhật Bản liên tục phải đối diện với tình trạng vật giá leo thang, giá của tất cả các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu tăng cao không cản nổi, trong khi đồng Yen liên tục tăng giá mạnh với nhiều kỷ lục mới kéo theo hàng loạt khó khăn của người dân.
Theo số liệu thống kê do công ty dữ liệu doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản Teikoku Databank (TDB) vừa cung cấp, chỉ riêng trong tháng 9 này, trên thị trường Nhật Bản, đã có tới 1392 mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh. Trong đó có nhiều mặt hàng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, như lương thực, thực phẩm, thực phẩm đã chế biến, đồ uống, bánh kẹo, hoa quả... Mức tăng dao động từ 8%~23%, cá biệt, các loại nguyên vật liệu tăng trung bình tới 26%.
Đây là điều đáng lo ngại, bởi vì giá nguyên vật liệu tăng sẽ kéo theo giá cả một loạt các mặt hàng khác tăng theo. Vật giá leo thang đang làm nghèo đi bàn ăn của người dân đất nước có nền kinh tế đứng thứ tư thế giới này khiến người tiêu dùng chỉ biết than phiền.
“Bây giờ không còn mặt hàng nào gọi là giá rẻ hoặc giá phải chăng, hợp lý. Chúng tôi đành phải tìm mua thứ khác hợp với túi tiền”; “Ví dụ như trứng trước đây chỉ hơn 100 Yen/vỉ 10 quả, nhưng bây giờ không còn giá đó nữa vì đã lên tới trên 300 Yen. Giá cả tăng cao nhưng người dùng vẫn phải mua, nếu đà tăng giá cứ kéo dài thế này không biết cuộc sống sẽ ra sao”, một số người dân bày tỏ.
Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn cũng phải chịu nhiều áp lực lớn, thậm chí còn trong tình trạng như “cháy nhà hai đầu”, khi một bên là nhà cung cấp tăng giá, còn bên kia là sự ca thán, chê trách của khách hàng.
“Cho dù siêu thị có đặt hàng sớm cũng sẽ bị hạn chế số lượng. Ví dụ như trứng, hạn mức mỗi ngày siêu thị chỉ được cung cấp 100 vỉ”, chủ một siêu thị tại Utsunomiya - giáp ranh Thủ đô Tokyo kể khổ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng và giá cả leo thang, như mất mùa do thiên tai, nhiều mặt hàng vì nguyên liệu bị lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài nên giá cả bị đội lên cao, lượng khách du lịch nước ngoài quá tải dẫn đến lượng tiêu thụ lương thực tăng vọt…. Đặc biệt, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cũng đang là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp. Để tuyển dụng đủ người, các doanh nghiệp phải áp dụng chế độ tiền lương ưu đãi cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định, và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vật giá leo thang.
Ông Uno Takami – Phó tổng giám đốc Tập đoàn khách sạn Vessel Inn – một chuỗi khách sạn lớn của Nhật Bản cho biết, từ đầu năm, giá dịch vụ phòng của khách sạn này đã phải tăng tới hơn 20%, nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn nhân lực.
“Tập đoàn thông báo tuyển dụng nhưng không có người ứng tuyển mặc dù đã tăng lương lên 1.350 Yen/giờ, cao hơn mức 1.050 Yen theo quy định, cũng chỉ tuyển dụng được số ít người nước ngoài. Giá nhân công và vật giá chung tăng cao sẽ khiến khách hàng phàn nàn nhiều hơn nên tập đoàn hiện vẫn chưa có cách giải quyết triệt để”, ông Uno Takami cho biết.
Cũng theo TDB, nếu tính lũy kế trong 11 tháng qua đã có tới 11.872 mặt hàng thiết yếu tăng giá. Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra một số nguyên nhân khác của vấn đề này, như giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu, bao bì, chi phí vận chuyển lưu thông... tăng cao, nhu cầu tiêu dùng có nhiều đột biến, kèm theo đó là tỷ giá bấp bênh của đồng Yen.
Đặc biệt, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực được dự báo là sẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, người ta lo ngại rằng, mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt các biện pháp hỗ trợ người dân, như tăng mức lương tối thiểu, trợ giá điện, khí đốt, xăng dầu…, nhưng tình hình sẽ không những không được cải thiện, mà sẽ tiếp tục xấu đi trong thời gian tới.