Vật liệu, nội thất 'đánh vật' với hàng Trung Quốc, Ấn Độ
Được đầu tư bài bản, có năng lực sản xuất lớn, nhưng các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu.
Lép vế trên sân nhà
Nghiên cứu của VietResearch cho thấy, năm 2024 được xem là năm bản lề để tích lũy, tạo dựng, chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục và phát triển mới của ngành bất động sản - xây dựng nói chung và ngành vật liệu xây dựng (VLXD) nói riêng...
Nhiều chuyên gia dự báo, VLXD sẽ là một trong 4 ngành hồi phục mạnh trong năm 2024 cùng với hàng tiêu dùng, viễn thông và dịch vụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà, nhất là hàng Trung Quốc. Thực tế thị trường đã diễn ra như dự báo.
Tại các khu vực chuyên bán VLXD ở TP.HCM như đường Tô Hiến Thành (quận 10), đường Võ Văn Kiệt (quận 5), đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), Thành Thái, Bạch Đằng…, tập trung hàng trăm cửa hàng kinh doanh VLXD như gạch, sắt, đá, thiết bị vệ sinh… với nhiều mẫu mã đa dạng.
Khách hàng khi có nhu cầu, từ chủ nhà đến các đơn vị thầu xây dựng lớn nhỏ sẽ được người bán giới thiệu nhiều mặt hàng là hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…, nhưng thực chất là hàng Trung Quốc đội lốt.
Khi phóng viên hỏi tìm mua gạch lót nền ở một cửa hàng VLXD trên đường Lý Thường Kiệt, người bán dẫn sâu vào trong nhà, nơi có cả trăm mẫu gạch được trưng bày. Qua quan sát, ngoài vài mẫu gạch của Ý, số còn lại đều là gạch Trung Quốc có giá bán rất rẻ từ 145.000 - 600.000 đồng/m2.
Đủ loại gạch từ bóng kiếng, bóng mờ, hoa văn nổi, chìm với nhiều gam màu tối sáng, loại nào cũng có từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Có cả những viên gạch bông cổ điển nhìn vô cùng sắc sảo.
Được hỏi sao không bán hàng Việt, người bán chia sẻ, giờ hiếm ai dùng gạch nội, vì giá thành đắt hơn gấp mấy lần.
“Anh có đi hết khu này hay qua cả khu Tô Hiến Thành cũng không tìm được gạch lót nền hàng Việt”, người này khẳng định.
Đơn vị xây dựng, thiết kế, thi công nội thất Nhà Yên Concept cho biết, cùng một mẫu mã gạch bông cổ điển 20x20 để lót nền phong cách Indochine hoặc Tân cổ điển, nhưng Gạch Đồng Tâm giá tầm 450.000 - 600.000 đồng/m2, trong khi gạch Trung Quốc là 370.000 đồng/m2, thậm chí chỉ 245.000 đồng/m2.
Không chỉ với hàng Trung Quốc, gạch ốp lát Việt Nam những năm gần đây còn có thêm đối thủ nặng ký khác là hàng Ấn Độ - nước sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát lớn thứ hai thế giới.
Một số doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước cho biết, các doanh nghiệp của Ấn Độ sang tận nơi, đến từng đại lý, cửa hàng để mời chào và tìm kiếm khách hàng, quảng cáo rất nhiều trên internet… Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của họ không đồng đều, thậm chí nhiều sản phẩm trung và thấp cấp rất khó kiểm soát, ảnh hưởng tới thị trường chung, cũng như quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Không chỉ gạch ốp lát, mặt hàng thiết bị vệ sinh cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi hàng giá rẻ được nhập số lượng lớn về Việt Nam đang khiến các doanh nghiệp trong nước lao đao.
Một chiếc bồn cầu được nhập từ Trung Quốc có giá bán chỉ từ 500.000 - 800.000 đồng. Trong khi đó, một chiếc bồn cầu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá trên dưới 2 triệu đồng.
Tương tự, chậu rửa mặt (lavabo) có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ có giá từ 160.000 - 260.000 đồng/chiếc, trong khi sản phẩm trong nước có giá trên 500.000 đồng, đơn cử như lavabo Viglacera đặt bàn có giá hơn 700.000 đồng. Nhiều sản phẩm thiết bị vệ sinh khác của Trung Quốc cũng có giá rẻ bằng 1/3 các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh sản xuất trong nước có giá gấp 3 lần hàng nhập khẩu cùng loại từ Trung Quốc, Ấn Độ nên rất khó cạnh tranh.
Công ty Xây dựng Đại Tiến Thành (quận 12, TP.HCM) cho biết, hiện nay trên thị trường thật giả lẫn lộn, các đội thầu sẽ được các công ty phân phối thiết bị vệ sinh Trung Quốc chào giá giảm lên đến 55 - 60% so với giá niêm yết trên catalogue. Trong khi những thương hiệu quen thuộc trên thị trường như Toto, Inax… chỉ giảm cho các đội thầu từ 30 - 35%.
Thép cũng là mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới và cả Việt Nam.
Riêng đối với lĩnh vực xi măng, Bộ Xây dựng cũng nhận định, lượng xuất khẩu xi măng của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng khiến, xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn.
Doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng - giảm nguồn cung hợp lý để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định và có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Phải nâng cao sức cạnh tranh
Trước sức ép cạnh tranh của hàng giá rẻ nhập khẩu, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, thúc đẩy ngành VLXD Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
Theo các chuyên gia, ngành VLXD có vai trò rất quan trọng, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ VLXD cũng tác động đáng kể đến việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Do đó, việc phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp VLXD không chỉ là yêu cầu trước mắt, mà còn là chiến lược lâu dài để đảm bảo an ninh cho ngành xây dựng, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, cạnh tranh trên thị trường VLXD sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới với các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ.
Trong khi đó, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp ngành VLXD trong nước lại không mạnh, nên ảnh hưởng tới việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ máy móc hiện đại, tân tiến, khiến sản lượng và chất lượng sản phẩm thiếu tính cạnh tranh.
Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho ngành VLXD, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng ưu tiên sử dụng hàng trong nước.
Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh triển khai Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội…, từ đó thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu thụ VLXD.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm VLXD nhập khẩu, nhằm loại bỏ các hành vi cạnh tranh không công bằng, bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần chủ động đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Đồng thời, rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, tận dụng các nguồn nguyên liệu giá rẻ từ phế thải để giảm chi phí sản xuất… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường.