Vật liệu sinh học siêu bền lần đầu tiên được thương mại hóa ở Nhật Bản

Sợi tơ phân hủy sinh học này được chứng minh là dai và mềm dẻo hơn tơ được chiết xuất từ tằm hoặc mạng nhện.

Vật liệu sinh học từ tơ sâu túi bướm. Ảnh minh họa.

Vật liệu sinh học từ tơ sâu túi bướm. Ảnh minh họa.

Theo Công ty Kowa có trụ sở tại Nagoya (Nhật Bản), loại tơ từ sâu bướm túi (bagworm) thân thiện với môi trường và có độ bền cao chuẩn bị được ứng dụng trong thương mại lần đầu tiên.

Ấu trùng sâu túi nhả sợi tơ đa năng từ miệng để buộc lá, cành cây và các vật liệu khác thành tổ và bảo vệ bản thân. Công ty Kowa cho biết, sợi tơ phân hủy sinh học này được chứng minh là dai và mềm dẻo hơn tơ được chiết xuất từ tằm hoặc mạng nhện.

Công ty Kowa, với lĩnh vực kinh doanh trải dài từ buôn bán hàng dệt may đến sản xuất các sản phẩm y tế, đã phát triển các tấm sợi có thể trộn với polyme gia cố sợi carbon được sử dụng trong các ứng dụng như gậy đánh golf và các thiết bị thể thao khác để tạo ra vật liệu nhẹ và chắc.

Để chiết xuất sợi tơ, công ty đã hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia Nhật Bản để phát triển phương pháp nuôi côn trùng nhân tạo và chiết xuất sợi tơ một cách hiệu quả. Công ty đang hợp tác với một nhà sản xuất đồ thể thao để phát triển sản phẩm và hy vọng tìm được ứng dụng trong các bộ phận máy bay và áo chống đạn.

Kowa đã phát triển thương hiệu Minolon cho vật liệu mới này, dựa theo “minomushi” - tên tiếng Nhật của loài sâu túi. Công ty cho biết họ đang có kế hoạch đầu tư hàng chục tỷ yen nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển các sản phẩm tận dụng các đặc tính của loại lụa này.

Kowa cho biết, không giống như nghề nuôi tằm, trong đó người ta luộc kén khi vẫn còn con tằm bên trong, sâu túi không bị giết trong quá trình thu hoạch tơ.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vat-lieu-sinh-hoc-sieu-ben-lan-dau-tien-duoc-thuong-mai-hoa-o-nhat-ban/359157.html