Vật liệu thân thiện với môi trường giúp ngôi nhà bền vững trước thiên tai 500 năm
Công ty Mỹ Zomes giới thiệu mẫu nhà hình đa diện lồi mang tên Zome có thể chống chọi với những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và đứng vững tới 500 năm.
Mẫu nhà bền vững tại Mỹ dùng vật liệu thân thiện với môi trường
Shereef và Karim Bishay muốn mẫu nhà mới không chỉ bền vững mà còn thân thiện với môi trường. Do đó, vỏ bảo vệ cấu tạo từ nhiều tấm bê tông chồng lên nhau của Zome có thành phần là xi măng gốm sinh học, được cho là trung hòa carbon (lượng carbon ròng thải vào khí quyển bằng 0).
Trong khi đó, việc sản xuất xi măng Portland, loại xi măng được sử dụng phổ biến trên thế giới, là một trong những nguồn chính tạo ra khí nhà kính.
Ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi. (Ảnh: Reuter)
Ngôi nhà rộng 24,6 m2, bên trong sử dụng những tấm tre và chất kết dính không chứa formaldehyde. Những miếng đệm cao su quanh cửa ra vào, cửa sổ và các khe hở khác giúp cho ngôi nhà kín gió. Lớp cách nhiệt bằng lông cừu trong các bức tường giúp điều hòa nhiệt độ trong nhà.
Việc sử dụng bê tông và một số yếu tố khác giúp tường ngoài của Zome chống nước, rêu, sinh vật gây hại và ngăn ngừa mục nát. Ngôi nhà sẽ không sập dưới sức nặng của tuyết tích tụ và cũng có thể chống cháy với khả năng chịu nhiệt tới 1.200 độ C. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người sống bên trong không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao như vậy.
Zome được lắp ráp tại nhà máy theo thông số kỹ thuật mà người mua yêu cầu trong vòng hai ngày. Sau đó, các nhân viên sẽ vận chuyển ngôi nhà đến địa điểm lắp đặt. Ngôi nhà sẵn sàng để sử dụng trong vòng một tuần. Nếu muốn di dời, người mua có thể tháo dỡ và chuyển nó tới địa điểm khác.
Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường tại Việt Nam
Việc sử dụng các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường.
Do đó, vấn đề của ngành xây dựng là phải ưu tiên phát triển các loại vật liệu mới thân thiện môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Cần phải dần thay thế và loại bỏ hoàn toàn loại vật liệu xây dựng truyền thống bằng vật liệu thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, việc sản xuất gạch từ đất sét nung đang tạo ra những áp lực vô cùng lớn đến môi trường sống của con người. Do đó, cần phải dần thay thế và loại bỏ hoàn toàn loại vật liệu xây dựng truyền thống này.
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cũng ngày càng đa dạng hơn, hạng mục vật liệu không nung có gạch bê tông khí chưng áp, panel bê tông khí chưng áp, gạch bê tông, panel bê tông rỗng đùn ép. Cùng đó, kính Low-E và kính Solar Control mới có khả năng giảm sự truyền nhiệt vào công trình, từ đó giảm công suất điều hòa cũng như điện năng tiêu thụ.
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho thấy, việc phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường còn giúp sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) mỗi năm để sản xuất vật liệu không nung; Tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Trên thế giới, vật liệu xây dựng xanh đã và đang được sử dụng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… Tại các nước phát triển, tỉ lệ gạch không nung chiếm 70% trong các công trình xây dựng.