Vật nuôi bản địa giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập

Gà ri, lợn đen và một số vật nuôi nguồn gốc bản địa khác đang được nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển. Đây là hướng đi phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế và đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực.

Gà ri, lợn đen và một số vật nuôi nguồn gốc bản địa khác đang được nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển. Đây là hướng đi phù hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế và đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực.

Bà con người Mường ở xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) nuôi lợn đen bản địa, đem lại thu nhập khá.

Bà con người Mường ở xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong) nuôi lợn đen bản địa, đem lại thu nhập khá.

Với lợi thế miền núi có nguồn thức ăn dồi dào, bãi chăn thả rộng, bà con ở vùng cao huyện Đà Bắc từ lâu đã nuôi lợn đen bản địa. Tại xã Đoàn Kết, những năm gần đây, từ nuôi tận dụng bà con đã chuyển sang nuôi với số lượng lớn để trở thành hàng hóa. Gia đình bà Lò Thị Tâm (dân tộc Tày) có diện tích đất đồi rừng rộng hơn 1 ha. Trước đây, gia đình bà trồng rừng kết hợp nuôi trâu, bò. Tuy nhiên giá trâu, bò giảm sâu nên hơn một năm qua, gia đình bà Tâm đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen.

Sau hơn 1 năm nuôi, lợn đen đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình bà Tâm. Bà Tâm cho biết: Giống lợn đen nuôi chậm lớn, một năm chỉ đạt khoảng 20 – 30 kg nhưng bù lại chi phí ít. So với lợn trắng, việc tiêu thụ lợn đen khá thuận lợi, nhất là vào dịp lễ, tết, thương lái đến tận nhà mua.

Kế bên xã Đoàn Kết là xã Tân Minh, nơi đang phát triển mạnh nghề nuôi lợn đen bản địa. Trước đây, gia đình bà Lường Thị Lâm, xóm Ênh, xã Tân Minh cũng nhiều năm chăn nuôi trâu, bò. Do giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, lợn đen bản địa lại dễ bán, giá cao, chi phí nuôi thấp nên bà Lâm đã chuyển sang nuôi giống lợn này. Theo bà Lâm, lợn đen đầu ra ổn định, giá cao nên gia đình đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Ngoài gia đình bà Lâm, ở xã Tân Minh có nhiều hộ đang chú trọng nuôi lợn đen bản địa. Đặc biệt là từ khi Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương ra đời, các hộ đã liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm thịt lợn Tân Minh đã được đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, hiện có khoảng 3 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện đang chăn nuôi lợn bản địa. Huyện đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn bản địa như hỗ trợ mua lợn giống từ các nguồn vốn, chương trình.

Ở các xã vùng cao huyện của Tân Lạc, nuôi lợn bản địa cũng đang được bà con người Mường chú trọng. Đây được xác định là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng vùng này trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030. Tại xã Ngổ Luông, nơi có tổng đàn lợn trên 1,2 nghìn con có đến 70% là giống lợn bản địa. Ông Bùi Văn Yên, Cán bộ Thú y xã Ngổ Luông cho biết: Lợn bản địa có sức đề kháng tốt với các dịch bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Đặc biệt là có nhiều thời điểm giá lợn xuống thấp nhưng giá lợn đen bản địa vẫn khá ổn định.

Ngoài nuôi lợn, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển mạnh một số vật nuôi khác có nguồn gốc bản địa. Theo đó, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các vật nuôi có lợi thế của địa phương được quan tâm triển khai. Đến nay, một số sản phẩm chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, như: Gà Lạc Sơn, Gà Lạc Thủy, Lợn bản địa Đà Bắc, Dê núi Lương Sơn, Dê Lạc Thủy.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay ngành chức năng đang xây dựng Đề án tổng thể về phát triển các vật nuôi có nguồn gốc bản địa. Đây là một trong những định hướng quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để cải thiện, nâng cao thu nhập từ chăn nuôi.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/193950/vat-nuoi-ban-dia-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-nang-cao-thu-nhap.htm