Vật thể liên sao A11pl3Z – 'khách lạ' thứ ba ghé qua Hệ Mặt trời
Một vật thể liên sao mới vừa chuyển với tốc độ cực cao qua Hệ Mặt trời đang được ví như một 'bưu kiện' liên sao chứa đựng nhiều bí ẩn từ các hệ sao xa xôi.
Phát hiện bởi hệ thống cảnh báo va chạm ATLAS cuối tháng 6/2025, A11pl3Z đang di chuyển với tốc độ hơn 245.000 km/h và có độ lệch tâm quỹ đạo gần 6.0 – cho thấy rõ nó không bị ràng buộc bởi trọng lực Mặt trời. Đây là vật thể liên sao thứ ba từng được con người quan sát sau ‘Oumuamua (2017) và Borisov (2019), nhưng vượt trội về kích thước và thời điểm phát hiện sớm hơn hẳn.

Đường đi dự đoán của A11pl3Z khiến nó trở thành vật thể liên sao thứ ba từng được nhìn thấy trong hệ mặt trời (Nguồn: Newscientist)
Hiện tại, vật thể này đang ở gần quỹ đạo Sao Mộc (khoảng 3,8 AU), và sẽ tiếp cận gần Sao Hỏa vào ngày 3/10 trước khi vòng quanh Mặt trời và rời khỏi Hệ Mặt trời vào cuối tháng 10.
Không giống với Borisov có đuôi khí hay Oumuamua gây tranh cãi về chuyển động bất thường, A11pl3Z là một vật thể không có dấu hiệu hoạt động sao chổi, quỹ đạo cực siêu hyperbolic và đường kính từ 10–20 km, giúp tăng khả năng quan sát bằng các kính thiên văn mặt đất và không gian.
Việc phát hiện từ sớm cho phép các nhà thiên văn theo dõi sát sao hành trình của nó, từ đó nghiên cứu thành phần, cấu trúc và khả năng mang theo vật chất tiền sinh học từ các hệ hành tinh ngoài dải Ngân hà.
Các đài quan sát lớn như James Webb và Rubin đã lên kế hoạch theo dõi liên tục A11pl3Z. Nếu tìm thấy các phân tử hữu cơ như amino acid, đây có thể là bằng chứng gián tiếp về điều kiện hình thành sự sống ở nơi khác trong vũ trụ.
Giữa lúc loài người nỗ lực giải mã các tín hiệu từ vũ trụ xa xăm, sự xuất hiện của A11pl3Z mang theo hy vọng về những khám phá mang tính đột phá, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc – không chỉ của những vật thể lạ, mà cả chính sự sống trên Trái Đất.