Vất vả mưu sinh với nghề đổ bê tông
Công việc nặng nhọc, bụi bặm, tai nạn lao động luôn rình rập…Thế nhưng, ngày càng có nhiều người làm công việc đổ bê tông nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ở thành thị cũng như nông thôn.
Với thâm niên 10 năm trong nghề đổ bê tông, ông Lê Văn Hải, chủ máy trộn bê tông (ở xã Diễn Lâm huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, mấy năm gần đây, nhu cầu xây dựng ở các địa phương tăng cao nên nhóm của ông làm không hết việc.
Nhóm ông Hải chuyên đi đổ bên tông cho công trình nhà ở của các hộ dân vùng lân cận của huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Dù công việc nặng nhọc, vất vả, giờ giấc thất thường nhưng so với nhiều nghề, thu nhập tương đối cao nên nhiều người vẫn chọn gắn bó với công việc nặng nhọc này.
Đã từng đi đổ bê tông được 3 năm, chị Lê Thị Hà – trú xã Nghi Xuân huyện Nghi Lộc, tâm sự: “Nghề đổ bê tông thuê không đòi hỏi người làm phải có trình độ kỹ thuật cao, nhưng cần có sức khỏe tốt, cần cù chịu khó, 4-5h sáng đã phải ra khỏi nhà, nhiều hôm về tới nhà đã 9h đêm, người mệt nhoài nhưng quá bữa cơm nên cũng không muốn ăn, nhìn các con đã lăn ra ngủ mà đôi mắt cay cay”.
Tuy làm nghề này rất vất vả, nặng nhọc, nhưng bù lại cho thu nhập khá hơn so với nhiều nghề lao động phổ thông khác. Bình quân một nhóm đổ bê tông thuê gồm khoảng 13 người, mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau: Người xúc đá, người xúc cát, người vác xi măng, người vận chuyển bê tông thành phẩm bằng xe “rùa” đến công trình, người vận hành máy trộn bê tông, người điều khiển bộ phận tời…
Mọi người trong dây chuyền đổ bê tông thuê phối hợp với nhau rất nhịp nhàng; hoạt động liên tục để bảo đảm chất lượng bê tông trong quá trình đổ. Thời gian đổ bê tông phụ thuộc vào diện tích móng nhà, diện tích mái (sàn) nhà rộng hay hẹp, nhưng thường dao động trong khoảng 3 - 4 giờ.
Bình quân mỗi ca đổ bê tông được trả 1,5 - 2 triệu đồng (tương ứng với khối lượng 8 - 10m3 bê tông). Chi phí này do chủ thầu xây dựng trả. Ngoài ra, chủ nhà còn bồi dưỡng thêm cho mỗi người đổ bê tông thuê khoảng 50 - 70 nghìn đồng.
Như vậy, sau mỗi ca đổ bê tông thuê, trừ chi phí cho chủ máy, mỗi người lao động thu về khoảng 150 - 200 nghìn đồng. Bình quân mỗi người trong nhóm mỗi tháng cho thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào vị trí công việc.
Để có việc làm thường xuyên, bảo đảm thu nhập cho mọi người, chủ máy trộn bê tông luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với các thầu xây dựng công trình. Do công việc không có định, có lúc làm sáng sớm, có hôm lại làm từ chiều đến tối mịt, đặc biệt có hôm lại làm cả ngày, thậm chí trùng lịch nên phải dời lịch sang những ngày sau. Cứ vậy, hễ chủ máy có thông báo là đội quân lại chuẩn bị tinh thần lên đường.
Dù thu nhập cao, công việc nhiều nhưng rủi ro cũng không ít. Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Diễn Đoài huyện Diễn Châu) – chủ máy chuyên đổ bê tông, cho biết: “Nhóm của tôi có khoảng từ 10-13 người, chủ yếu là chị em phụ nữ. Công việc không những rất vất vả, mà còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thường xuyên phải bê vác nặng nhọc, bụi bặm, hay gặp tai nạn lao động khi đổ công trình nhà cao tầng, di chuyển đến công trình”.
Cách đây không lâu, một chủ máy trộn bê tông ở xã Diễn Lâm huyện Diễn Châu sau khi đổ bê tông công trình trở về nhà thì gặp tai nạn dẫn tới gãy xương sườn, một chủ thầu công trình thông tin.
Đổ bê tông công việc vất vả không phải ai cũng làm được và trụ lại với nghề, nhưng bù lại tiền công được trả ngay sau khi làm xong nên nhiều chị em phụ nữ khác vẫn bất chấp vất vả nguy hiểm, kiếm những đồng tiền quý giá để trang trải cuộc sống.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/vat-va-muu-sinh-voi-nghe-do-be-tong-427741.html