Vất vả nghề lắp đặt, sửa chữa điện, nước

Với thợ điện, nước, thời điểm này là lúc nhiều việc nhất, họ phải làm việc khẩn trương để chủ nhà hoàn thiện vào nhà mới sau tháng ngâu.

Anh Hoàng Minh Nghĩa, thợ chuyên lắp đặt và sửa chữa điện, nước lâu năm ở thành phố Lào Cai chia sẻ: Dẫu biết mỗi công việc một tính chất, một nỗi niềm riêng, tuy nhiên nghề thợ sửa điện, nước phải nói là trăm bề của nỗi lo. Quan trọng nhất vẫn là tìm được khách hàng, bởi nếu gặp chủ nhà dễ tính, sòng phẳng thì chẳng nói làm gì, còn gặp phải gia chủ kỳ kèo lên xuống từng đồng tiền công thì… mệt. Hoặc có chủ nhà chậm trả tiền công, thậm chí nhà thi công xong đã lâu nhưng gia chủ cứ vin hết lý do này đến lý do khác để quỵt tiền công là chuyện bình thường.

Nghề dịch vụ khó tránh khỏi những điều như thế, nhất là thi công những công trình nhà dân, chủ yếu thỏa thuận miệng với nhau là chính chứ mấy khi có hợp đồng trên giấy tờ. Do vậy, nhiều khi khóc dở, mếu dở…

Nghề lắp đặt, sửa chữa điện, nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nghề lắp đặt, sửa chữa điện, nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Công việc của thợ lắp đặt điện, nước thường bận rộn vào dịp gần Tết và vào mùa khô. Anh Hoàng Minh Nghĩa cho biết thêm: Nhiều lúc, có nhiều gia đình gọi thi công cùng một thời điểm nên không làm hết việc, đành phải từ chối. Những ngày hè, trong cái nắng nóng lên đến gần 40 độ C, khi chuyển téc nước từ tầng 1 lên và lắp ống dẫn nước, mồ hôi chảy ra ướt như vừa tắm. Đêm về nhiều lúc khó thở vì bụi, khi đặt ống nước hay đặt dây điện bắt buộc người thi công phải khoan tường để đặt vị trí các thiết bị theo nhu cầu của gia chủ, đeo khẩu trang rồi nhưng không ngăn hết được bụi...

Đã có không ít thợ điện, nước bị tai nạn do điện giật, bị bỏng khi hàn ống nước hoặc ngã khi vận chuyển thiết bị như téc nước, máy điều hòa... lên nhà cao tầng. Do đó, làm nghề lắp đặt điện, nước đòi hỏi người thợ phải chuyên tâm, không được lơ là. Nhiều lúc, thi công những ngôi nhà mà gia chủ yêu cầu lắp đặt những thiết bị thông minh, nhiều thợ điện, nước phải lên mạng internet để tìm kiếm sơ đồ hệ thống và cách lắp đặt.

Cùng với việc lắp đặt thiết bị điện, nước thì việc sửa chữa cũng khá vất vả. Chỗ bị hư hỏng có khi nằm ở vị trí khó, trên cao, vất vả nhất là gặp phải những tình huống dây điện bị chập, cháy, ống nước rò rỉ âm sâu trong vách tường bắt buộc phải kiểm tra, đục phá để tìm chỗ hỏng, nhiều khi khiến người thợ nản chí. Thợ điện, nước phải có đầu óc nhạy bén, linh hoạt, ngoài trình độ, kỹ năng đặt ống nước, đi dây còn phải cầm bay, bàn xoa, kiêm cả công việc của thợ nề và phải đọc được bản vẽ, tính toán được công việc để bố trí thợ làm cho hợp lý, tính toán mua vật tư, lên phương án thi công sao cho nhanh nhất và tiết kiệm nhất, hợp với ý chủ nhà nhất.

Thợ lắp đặt điện, nước phải phối hợp ăn ý với thợ nề. Thợ nề làm đến đâu, thợ điện, nước theo sát đến đó để đặt đường ống, đục lỗ, rải dây. “Làm nghề này có lúc vắt chân lên cổ không hết việc, phải chấp nhận có hôm làm từ 5 giờ đến tận 23 giờ cho kịp tiến độ chủ nhà vào nhà mới, chẳng còn thời gian cho vợ con” - anh Lê Đức Hiếu tâm sự.

Công việc tuy nhọc nhằn, nhưng bù lại họ không phải đầu tư vốn ban đầu, cứ có sức khỏe, biết nghề là có việc làm. Thợ phụ không đòi hỏi trình độ tay nghề cao vẫn có thu nhập từ 250 nghìn đồng đến 350 nghìn đồng/ngày. Thợ cả tay nghề cứng, chăm chỉ thì thu nhập cao hơn.

Vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng những thợ lắp đặt và sửa chữa điện, nước vẫn tìm được niềm vui trong công việc bởi họ hiểu, kiếm sống bằng sức lao động chân chính thì nghề nào cũng đáng quý.

Ngọc Luyến

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/vat-va-nghe-lap-dat-sua-chua-dien-nuoc-z5n20200930094134448.htm