Vất vả ứng phó với nắng nóng

Đồng Nai đang trong đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quá trình sản xuất nông nghiệp và tăng nguy cơ cháy.

Người đi xe máy trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa) che kín người bằng áo khoác, khẩu trang để tránh bụi bặm, nắng gắt. Ảnh: Minh Thành

Người đi xe máy trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa) che kín người bằng áo khoác, khẩu trang để tránh bụi bặm, nắng gắt. Ảnh: Minh Thành

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5-2024. Nắng nóng sẽ còn xuất hiện đến cuối tháng 5, đầu tháng 6-2024 với những đợt nắng nóng diện rộng hơn, kéo dài và mức độ nắng nóng gay gắt hơn năm 2023. Khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024 tại Nam Bộ.

* Chống chọi với cái nắng gay gắt

Do nắng nóng gay gắt nên một số vùng sản xuất nông nghiệp trong tỉnh thiếu nước tưới, nguy cơ vật nuôi đổ bệnh rất cao. Nhiều nông dân phải thực hiện các giải pháp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nắng nóng cao điểm, kéo dài.

Nông dân Đinh Tiến Thịnh (ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) cho biết, ngay từ đầu tháng 3-2024, ông đã phải liên tục quây thêm lá dừa, phun nước lên mái các chuồng dê sau nhà để hạ nhiệt cho đàn dê. Không chỉ vậy, vì nắng nóng nên mỗi ngày khi đi cắt cỏ cho dê, ông phải tốn thêm 30 phút nghỉ ngơi để đỡ mệt.

Theo dự báo, tại Đồng Nai, năm 2024, mùa khô kéo dài, mưa trái mùa ít hơn so với trung bình nhiều năm. Mức độ nắng nóng có thể xấp xỉ năm 2023 với nhiệt độ cao nhất có thể đạt 38-390C. Khi ở ngoài trời, với hơi nóng mặt đường bốc lên nhiệt độ có thể lên hơn 390C.

Anh Nguyễn Công Ngọc, tài xế xe ôm công nghệ hoạt động tại thành phố Biên Hòa bày tỏ: “Thời tiết nắng nóng trên các quốc lộ qua địa bàn tỉnh với mật độ phương tiện dày đặc, phát sinh ra nhiều khói bụi khiến nhiệt độ tỏa lên từ mặt đường nóng rát phải lên đến 400C. Do đó, khi làm việc trên đường cảm thấy nóng nực, khó chịu và rất nhanh mệt mỏi, hoa mắt”.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán năm 2024, cũng như tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chú ý thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi. Thực hiện tiết kiệm nước, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp cho cả mùa khô năm 2023-2024.

Đại diện các đơn vị thi công Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía cù lao Phố, phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) cho biết, thi công trên sông nước khi ngoài trời nắng nóng nên đơn vị thi công yêu cầu các công nhân thi công luôn trang bị đủ bảo hộ lao động, nhất là mũ bảo hộ, quần áo dài tay… để hạn chế sốc nhiệt khi làm việc giữa thời tiết oi nóng; qua đó, giảm các tác nhân có thể gây nguy hiểm, mất an toàn khi thi công giữa sông nước.

“Áp lực” nắng nóng, khô hạn còn kéo theo nguy cơ cháy tăng cao. Nhất là khi thời gian gần đây, toàn tỉnh xuất hiện một số vụ cháy nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Chẳng hạn, vào tối 16-2, một kho chứa đồ nhựa, đồ gia dụng tại phường Xuân Tân (thành phố Long Khánh) cháy dữ dội, cột khói bốc cao hàng chục mét. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã có mặt kịp thời dập tắt đám cháy. Diện tích đám cháy khoảng 600m2 khiến nhiều phần mái tôn bị sập, không ghi nhận thiệt hại về người.

Với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi dập các đám cháy, vụ cháy vào mùa khô rất vất vả; nhất là những đám cháy, vụ cháy có các sản phẩm bằng nhựa, cao su… phát sinh mùi khó chịu, khói đen dày đặc và tỏa nhiệt lượng cao…

* Chủ động ứng phó nắng nóng, khô hạn

Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, nắng nóng ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người, vật nuôi và sinh trưởng của thực vật. Nguy cơ cao xảy ra cháy ở các khu dân cư, cháy rừng trong những thời điểm nắng nóng gay gắt. Trên các sông suối, mực nước giảm dần, có thể xuất hiện tình trạng khô cạn và thiếu nước cho các sông, suối nhỏ. Cảnh báo cần đề phòng khả năng sạt lở đất, sụt lún đất tại đoạn thượng lưu sông Đồng Nai và La Ngà ở phía thượng lưu sông Đồng Nai và La Ngà.

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai khuyến cáo, trong những ngày trời nóng nên hạn chế làm việc ngoài trời vào thời điểm trưa nắng, nếu có làm phải trang bị những biện pháp chống nóng phù hợp để bảo vệ sức khỏe. Uống đủ nước để tránh mất nước. Người già, người có sức khỏe yếu và trẻ nhỏ hạn chế ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn dưới trời nắng. Khi gặp các trường hợp kiệt sức hay ngất do nắng nóng, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, cho uống nước, làm mát bằng những cách thức phù hợp. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nên chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, làm mát chuồng trại, vật nuôi...

Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh:

Sẵn sàng lực lượng chống cháy rừng

Hơn một tháng nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, nguy cơ cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp độ V, cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Để đảm bảo tốt cho công tác phòng, chống cháy rừng, trong những ngày qua, tất cả lực lượng, thiết bị, phương tiện phòng, chống cháy của đơn vị đều trực sẵn sàng 24 giờ với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

Năm nay, dự báo mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng liên tục kéo dài, không xuất hiện những cơn mưa trái mùa như mọi năm nên lá rừng rụng nhiều. Đơn vị phải tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện xử lý các thảm lá rụng từ sớm nên gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Nguyễn Thành Phong (ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất):

Lo cây trồng thiếu nước

Hiện nay, các cây ăn trái chủ lực nơi khu vực tôi sinh sống là sầu riêng, chôm chôm đang vào mùa ra hoa kết trái nên các chủ vườn cần triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với thời tiết bất lợi, bảo vệ hiệu quả cây trồng.

Trong đó, việc tưới đủ nước cho cây rất quan trọng, vì với những cây đang mang trái, nhiệt độ cao và khô hạn có thể gây rụng hoa và quả. Sản xuất tại địa phương sử dụng giếng nước ngầm, nắng nóng kéo dài nên điều lo ngại nhất của người dân là thiếu nước. Nguồn nước ngầm có giới hạn, việc khoan giếng, đào giếng không được cho phép nên để hạn chế thất thoát, tiết kiệm nước, nhiều nhà đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây. Bên cạnh việc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, nhiều chủ vườn còn sử dụng cây cỏ, rơm rạ che chắn mặt đất, bảo vệ vườn cây trong mùa nắng nóng.

Gia An - Hải Đình (ghi)

Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai khuyến cáo, để giữ gìn sức khỏe trong thời gian nắng nóng gay gắt, khi đang ở trong phòng máy lạnh không nên đột ngột ra ngoài nắng ngay (hoặc ngược lại) để tránh bị sốc nhiệt. Mọi người cũng cần lưu ý giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau dọn các vật dụng thường tiếp xúc. Đồng thời, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, giàu vitamin C và D để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó với tình trạng nắng nóng có thể xảy ra trong mùa khô, ngay từ khi chuẩn bị kết thúc mùa mưa 2023, vào tháng 9-2023, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc chủ động triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Trong đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nước để bảo đảm nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.

UBND tỉnh khuyến cáo người dân gieo trồng theo kế hoạch, không vượt quá khả năng phục vụ của công trình thủy lợi để tránh xảy ra thiệt hại do hạn hán, thiếu nước tưới. Tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, công trình cấp nước tập trung nông thôn và sửa chữa ngay các hạng mục công trình bị hư hỏng; duy tu, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị để bảo đảm công trình vận hành bình thường phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Kim Liễu - Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/vat-va-ung-pho-voi-nang-nong-0e5533b/