Vất vả với nghề làm bàn, ghế đá
'Hơn 35 năm gắn bó với nghề làm bàn, ghế đá đã giúp cho cuộc sống gia đình tạm ổn, chứ không thể làm giàu được'. Đó là lời tâm sự chân tình của anh Dương Hoàng Dũng, ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) khi nói về nghề anh gắn bó hàng chục năm qua.
Dưới cái nắng oi bức của tháng 5, vợ chồng anh Dương Hoàng Dũng và chị Lâm Thị Ngọc Trang đang miệt mài với công việc của mình theo từng công đoạn khác nhau. Đang nhanh tay trét ximăng để ráp lưng ghế, ráp chân ghế đá rời, anh Dũng bày tỏ: “Để làm ra những bộ sản phẩm bàn, ghế đá, chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian từ 4 - 5 ngày. Làm nghề này cực lắm em ơi! không sợ bụi bặm, phải khuân vác nặng liên tục. Có khi làm tới gần 12 giờ trưa mới được nghỉ ngơi ăn cơm, chiều tiếp tục làm”.
Khi trò chuyện với chúng tôi, chị Trang tiếp lời: “Nghề làm bàn, ghế đá này coi vậy vất vả lắm. Ngày nào cũng khoảng 4 giờ sáng thức dậy, chúng tôi bắt tay với công việc sắp xếp khuôn, quét nhớt khuôn, trải đá, đến đổ hồ vào khuôn, phải mất khoảng 24 tiếng đồng hồ để hồ khô cứng lại. Sau đó là công đoạn dán chữ, sơn, vẽ, mài giũa, đánh dầu bóng và đòi hỏi phải làm cẩn thận, tỉ mỉ mới có được sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp mắt thì khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, có một số khách hàng đến đặt bộ bàn, ghế theo nhu cầu (có tên cửa hàng, logo), nhưng khi làm xong vài tháng mà họ không đến nhận. Biết sao giờ, đành phải chịu bỏ công sức, vật liệu”.
Với nguyên vật liệu như: cát, đá mịn, xi măng, sắt… vậy mà qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề đã cho ra lò nhiều mẫu sản phẩm bàn, ghế đá. Anh Dương Hoàng Dũng (quê ở TP. Bạc Liêu) bén duyên với nghề làm bàn, ghế đá này khi tuổi đời ngoài đôi mươi. Anh Dũng nhớ lại: “Hồi đó, khi mới vào nghề tôi phải đi đến các cửa hàng vật liệu xây dựng xin việc làm và theo học nghề từ những thợ làm thuần thục. Đi làm từ Bạc Liêu lên Cần Thơ rồi đến Sóc Trăng có gia đình và lập nghiệp tại đây. Cách nay khoảng 6 năm, tôi quyết định nghỉ làm cho người ta, thay vào đó là mở cơ sở nho nhỏ sản xuất bàn, ghế đá tại nhà khi có khách đến đặt làm”.
Theo chị Ngọc Trang, công đoạn cuối cùng cực nhất là làm ghế rời nên anh Dũng phải làm thủ công như ráp lưng ghế, ráp chân ghế sao cho thẩm mỹ. Mỗi ngày, cơ sở gia đình chị đổ được khoảng 4 cái ghế thường, 2 ghế đá liền và 2 cái bàn. Đa phần sản phẩm ghế đá thường được các cửa hàng vật liệu xây dựng đặt mua để làm quà tặng cho khách hàng, với giá ghế đá rời, bàn là 220.000 đồng/cái, còn ghế đá liền, giá 320.000 đồng/cái. Một cái ghế, bàn đá thành phẩm sau khi trừ hết mọi chi phí sẽ lời được vài chục ngàn đồng/cái. “Nghề này, nói làm giàu thì chắc không thể, nhưng chỉ sống đắp đổi qua ngày. Thấy nghề cực quá nên tôi cũng không cho mấy đứa con nó theo nghề của cha mẹ nữa. Cho tụi nhỏ đi học để nó biết cái chữ, sau này học nghề khác. Hiện sức khỏe của anh Dũng cũng hơi yếu, nên một tuần làm vài ngày thôi” - chị Trang chia sẻ.
Những chiếc ghế, bàn đá được đặt ngay sân nhà, sân công viên, quảng trường, khuôn viên chùa chiền, hay trường học đã góp phần tô điểm đẹp, tạo không gian sống động. Tuy nhiên, đằng sau nét đẹp của từng sản phẩm bàn, ghế đá ấy là nhờ bàn tay khéo léo, mài giũa tỉ mỉ của người thợ chăm chút từng công đoạn khác nhau.