Vầu đắng 'lên ngôi'
Đây là cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với các cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn...
Cây vầu 2 năm tuổi đã có thể sử dụng làm một số vật liệu. Ảnh: Vân Anh
Nhắc đến Lang Chánh, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay về nơi được mệnh danh là đất “Vua luồng xứ Thanh”. Tuy nhiên, ở xã biên giới Yên Khương của huyện Lang Chánh, trong những năm gần đây, cây vầu (vầu đắng) đã và đang “lên ngôi”, trở thành cây chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm cho bộ mặt nông thôn ở vùng biên viễn ngày càng thay da, đổi thịt.
Trăn trở về vầu
Sau hai năm tôi mới có dịp trở lại Yên Khương, con đường tỉnh 530 mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, tu sửa nhiều lần, nhưng có lẽ không thấm vào đâu trước sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình núi đá hiểm trở, thiên tai mưa lũ bất thường. Bên cạnh đó, những chiếc xe tải hạng nặng đi lại đã làm cho con đường lên xã biên giới lúc nào cũng “ốm yếu”, oằn mình để chống đỡ. Hình ảnh một Yên Khương xơ xác, hoang tàn trong trận lũ của hai năm về trước như một thước phim quay chậm cứ thế được tua lại trong trí nhớ của tôi. Ấy vậy mà sau hơn một tiếng với 2 cánh tay mỏi nhừ vì cầm lái, Yên Khương hiện lên trước mắt tôi với một màu sắc tươi mới. Những cửa hàng, quán ăn san sát nhau, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã có sự thay đổi rõ rệt, tiếng cười nói ríu rít của những cô cậu học trò trong giờ tan trường. Có màu xanh đang ngả vàng của những nương lúa đang độ chín và trong bức tranh khắc họa sự đi lên của đời sống người dân Yên Khương không thể bỏ qua vai trò của cây vầu. Những rừng vầu xanh mát đang dần trở thành cây chủ lực giúp bà con hướng tới cuộc sống no ấm.
Yên Khương là xã vùng cao biên giới của huyện Lang Chánh, nơi có 7km đường biên giới tiếp giáp với cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Cách trung tâm huyện 35km về phía Tây, tổng số dân toàn xã 5.188 khẩu, trên 1.138 hộ, trong đó đồng bào Thái chiếm 99%. Đồng bào dân tộc Thái sinh sống bao đời trên địa bàn xã Yên Khương luôn đoàn kết, thương yêu nhau, người dân chăm chỉ lao động sản xuất. Thế nhưng, ở dải đất biên cương, do địa hình, thời tiết khắc nghiệt cùng với việc thiếu đất ở, đất sản xuất nên tình hình phát triển sản xuất của địa phương gặp nhiều khó khăn. Trăn trở, thấu hiểu ước mơ thoát nghèo của bà con, chính quyền địa phương đã tìm nhiều mô hình kinh tế, mong muốn giúp bà con cải thiện đời sống. Tuy nhiên, các mô hình phát triển kinh tế còn manh mún, nhỏ lẻ... nên việc giải bài toán kinh tế cho đồng bào dân tộc ở nơi đây gặp không ít khó khăn.
Câu chuyện tìm hướng phát triển, thoát nghèo cho bà con ở Yên Khương là một vấn đề nóng được đưa ra thảo luận ở cấp xã, cấp huyện. Với xã biên giới kinh tế chủ yếu là sản xuất nông – lâm nghiệp, với cây chủ lực là keo và vầu, tuy vậy mô hình trồng keo nhiều năm nay không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua thực tế huyện bạn Quan Sơn, mô hình trồng vầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên chính quyền và nhân dân đã quyết định hồi sinh cây vầu, đưa vào trồng trên diện tích đất trống, đồi trọc, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển mô hình trồng vầu với hy vọng nâng cao thu nhập. Đây là cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với các cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn...
Để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững từ nguồn vốn Chương trình 30a, năm 2018 trạm khuyến nông phối hợp với UBND xã Yên Khương thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu đắng, với quy mô 21 ha và có 25 hộ dân tham gia. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông huyện, sau một thời gian triển khai, hiện nay cây vầu đang phát triển và sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Hiện tại, diện tích vầu ở Yên Khương đã được mở rộng lên 215,4 ha, trong đó có 6 trên tổng số 9 bản với 215 hộ tham gia mô hình thu được kết quả tốt.
Cây vầu “lên ngôi”
Đưa tôi đi thăm rừng vầu, anh Vi Văn Thu, phó chủ tịch UBND xã cho biết, để nâng cao giá trị cho loại cây này, những năm qua xã đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng cho cây vầu thông qua thực hiện các biện pháp phát dọn vệ sinh rừng vầu, chặt bỏ cây sâu bệnh, già cỗi và những gốc khai thác quá cao, tạo đất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho cây, kỹ thuật bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho đất để cây sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, để nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích vầu được trồng mới, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật ươm hạt vầu giống để cung cấp cho bà con trong xã và các xã lân cận. Hiện nay giá khai thác 170.000 đồng/tạ. Một ngày, bình quân một gia đình, hai vợ chồng có thể khai thác từ 2-3 tạ, mang lại thu nhập từ 600.000 - 700.000 đồng. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mở rộng diện tích và lựa chọn vầu là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như gia đình chị Lữ Thị Bảy, anh Lương Văn Lai, ông Hà Văn Quỳnh...
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Quỳnh ở thôn Chí Lý Nặng Đanh, một trong những hộ dân trồng cây vầu hiệu quả, hiện nay diện tích vầu của gia đình ông đã trên 4 ha, ông Quỳnh cho biết: “Trồng cây vầu rất hiệu quả, đã mang lại giá trị kinh tế cho gia đình tôi. Trên 4ha đất hoang trước đây, sau hơn 4 năm triển khai trồng vầu, nay đã phủ một màu xanh mướt. Có những cây hơn 4 năm đã cho đường kính từ 7-10 cm. Mỗi bộ vầu có tỉ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Hiện rừng vầu của gia đình tôi đã có thể cho chặt tỉa và đem lại thu nhập cho gia đình. Năm tới gia đình tôi sẽ chuyển một số diện tích cây kém hiệu quả sang trồng vầu”.
Nếu như trước đây, người dân phải sang tận Quan Sơn để mua giống về trồng, thì nay, để chủ động cung cấp giống cho người dân trên địa bàn xã, nhiều hộ dân đã chủ động tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ huyện bạn để đầu tư làm vườn ươm giống vầu. Chị Lữ Thị Bảy ở bản Bôn, một trong những hộ có vườn ươm cho biết, hai vợ chồng chị đều cùng học Khoa Nông lâm nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức, ra trường về quê hương lập nghiệp. Ban đầu gia đình chị trồng keo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song, nhiều năm gần đây, giá trị kinh tế của cây keo bị giảm sút. Lại là một người con sinh ra trên đất vầu Quan Sơn, chị bàn bạc với chồng chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây vầu. Vợ chồng chị về Quan Sơn để học hỏi kinh nghiệm ươm giống, cùng với kỹ thuật mà anh chị học được ở trường đại học và cán bộ địa phương, đã thành công trong việc ươm giống, cung cấp một số lượng giống cho bà con ở địa phương. Trung bình, một mầm cây giá 8.000 đồng, mỗi lần gia đình chị xuất từ 3.000 đến 5.000 cây giống, thu về từ 24.000.000 – 40.000.000 đồng. Vậy mà có lúc, cây giống của gia đình chị không đủ để cung ứng ra thị trường. Hơn nữa, việc ươm giống vầu cần rất nhiều nhân công, nên gia đình chị có những đợt phải thuê đến 50 nhân công theo thời vụ, tạo việc làm cho bà con trong xã.
Đồng chí Lò Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Yên Khương cho biết: “Trong một vài năm trở lại đây, mô hình trồng vầu tại xã Yên Khương đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 8 triệu đồng thì năm 2019 đạt 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,3%. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả, đúng phương pháp để nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/vau-dang-len-ngoi/107507.htm