Vay ODA dành cho Việt Nam thấp hơn nhiều các nước trong khu vực

Chiều nay, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và nhóm 6 Ngân hàng phát triển. Đây là Phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo nhằm trao đổi các kết quả đạt được về tình hình giải ngân vốn ODA, việc phê duyệt giải ngân các dự án, cũng như đề ra các giải pháp quản lý và sử dụng vốn ODA thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn các nhà tài trợ, đối tác đã dành nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên tổng vốn cho vay các dự án ODA dành cho Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/4 của Campuchia, 1/11 của Philippines và 1/12 của Indonesia.

Phó Thủ tướng cũng cho biết tình trạng giải ngân vốn ODA còn chậm, với khoảng 50% số vốn được giải ngân trong giai đoạn 2021-2025, điều này có nguyên nhân từ việc Việt Nam kiểm soát ngân sách nhà nước chặt chẽ.

Phó Thủ tướng đánh giá cao các đối tác, nhóm 6 ngân hàng phát triển đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Thủ tướng đánh giá cao các đối tác, nhóm 6 ngân hàng phát triển đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi vay nhưng được trả bằng ngân sách của nhà nước, cho nên chúng tôi phải kiểm soát nguồn vay này với tư cách như là ngân sách nhà nước. Nên thủ tục rất lằng nhằng, phức tạp, mong quý vị cũng chia sẻ cho lý lẽ đó. Nếu định lượng vướng ở chúng tôi khoảng 65%, còn ở quý vị khoảng 35%. Điều chúng ta thống nhất được hôm nay là mọi người đều mong muốn thúc đẩy để cho con số này tích cực hơn trong thời gian sắp tới.”

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong các nhà tài trợ chia sẻ, có phương thức, mô hình quản lý linh hoạt, đơn giản hơn; có ưu tiên, ưu đãi tài trợ cho những điều kiện đặc biệt của Việt Nam như biến đổi khí hậu, thiên tai, ảnh hưởng khách quan từ bên ngoài, những quy định pháp lý có tính chất đặc thù. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam xây dựng danh mục cụ thể những dự án phù hợp với ưu tiên đầu tư và nhu cầu cấp thiết.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư có sự trao đổi thông tin tốt hơn với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các địa phương của Việt Nam phối hợp tốt hơn với các nhà tài trợ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp, tham mưu để Phó Thủ tướng ra văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tập trung vào 3 nhóm việc chính.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển (Ảnh: Chinhphu.vn)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển (Ảnh: Chinhphu.vn)

“Thứ nhất là sửa đổi các quy định cho hợp lý hơn. Thứ 2 phải thực thi được những nhiệm vụ về trách nhiệm của các bộ ngành địa phương đó chưa làm, phải chỉ ra. Thứ 3 phải có trách nhiệm xử lý những tồn tại trước đây còn đến bây giờ. Với nguyên tắc các bộ ngành địa phương các đồng chí phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm nay, phải trách nhiệm hơn. Ở địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng, nhiều địa phương không làm việc này cho nên không đủ điều kiện. Phải tránh việc trả vốn và hủy vốn, cân nhắc từ đầu nếu không kham nổi thì dừng lại.” - Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong giai đoạn 2021-2023 khoảng 3.355 tỷ USD. Tổng số vốn nước ngoài cấp phát từ Ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 300.000 tỷ đồng. Tổng kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài cấp phát từ Ngân sách Trung ương đã được giao cho 412 chương trình, dự án của 16 Bộ, cơ quan Trung ương và 62 địa phương thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển là hơn 207 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,9%.

Nguyên Nhung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vay-oda-danh-cho-viet-nam-thap-hon-nhieu-cac-nuoc-trong-khu-vuc-post1085415.vov