Vay online Tài chính Song Hùng, bác sĩ bị lừa 360 triệu đồng trong chớp mắt, còn bị 'dọa xử'
Dính chiêu bài vay tiền dễ, giải ngân nhanh qua mạng, mới đây, một bác sĩ tại Hà Nội bị lừa 360 triệu đồng. Các đối tượng còn bắt nộp thêm 200 triệu để giải ngân nếu không sẽ đến tận nhà xử lý người thân.
Bị “thao túng tâm lý”, bác sĩ mất trắng 360 triệu đồng vì vay tiền qua mạng
Mới đây, bác sĩ Dương Minh Tuấn (Hà Nội) đã chia sẻ trường hợp bị lừa “trong vòng một nốt nhạc” của mình khi vay tiền qua mạng của mình.
Theo đó, do đang cần một khoản tiền ngắn hạn, nhưng ngại vay người thân và cũng ngại thủ tục ngân hàng, tối ngày 7/2, anh Tuấn tìm kiếm trên mạng và thấy quảng cáo cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không mất thời gian thẩm định của Công ty tài chính Song Hùng. Sau khi kiểm tra trên mạng thấy công ty có mã số thuế, địa chỉ hẳn hoi, anh Tuấn tin tưởng bấm vào link đăng ký vay.
Sau khi đăng ký, ngay lập tức một nhân viên chăm sóc khách hàng tên là Trần Thông Dũng thông báo khoản vay được phê duyệt và yêu cầu anh tải ví điện tử của Công ty tài chính Song Hùng để rút tiền. Tuy vậy, lệnh tải ví bị lỗi, đối tượng Dũng thông báo anh nhập sai số tài khoản và yêu cầu nộp 20 triệu đồng phí ủy quyền với nội dung theo Dũng hướng dẫn để sửa thông tin (nộp vào tài khoản 32810001193479 của Dang Kieu Thu tại Ngân hàng BIDV). Dũng cam kết số tiền này sẽ được công ty trả khi giải ngân khoản vay, đồng thời gửi công văn có dấu đỏ của công ty về điều khoản ủy quyền để tạo niềm tin cho anh Tuấn.
Một lúc sau, Dũng lại gọi điện thông báo nội dung chuyển tiền bị sai cú pháp và yêu cầu chuyển thêm 40 triệu đồng để sửa lại thông tin, số tiền này cũng sẽ được hoàn đầy đủ lại khi giải ngân.
Như bị thôi miên, anh Tuấn hoàn toàn làm theo hướng dẫn của Dũng, sau khi nộp đủ 60 triệu đồng, anh Tuấn nhìn thấy tiền đổ về ví, bao gồm cả giá trị khoản vay lẫn 60 triệu đồng ủy quyền và yên tâm nhấn vào nút rút tiền về tài khoản. Tuy nhiên, ví điện tử bất ngờ hiện ra thông báo: “Bạn đã vi phạm hợp đồng”. Tiếp đó, Dũng ngay lập tức xuất hiện, gọi điện mắng anh thao tác rút tiền sai (rút khoản vay trước, rút 60 triệu đồng sau) và cho biết sẽ nhờ “sếp” xử lý.
Ngay sau đó, một người tên Luật, tự xưng Trưởng phòng Tài chính của Công ty tài chính Song Hùng (điện thoại: 02188886686) gọi điện mắng anh Tuấn làm sai quy trình, gây phiền hà và yêu cầu đóng thêm 100 triệu đồng bảo lãnh với ngân hàng để giải ngân.
Do lâu nay chỉ tập trung vào công việc, chưa từng nghe tới thủ đoạn lừa đảo tinh vi này cộng thêm quá trình bị đối tượng dồn ép quá nhanh khiến anh Tuấn bị thao túng tâm lý hoàn toàn, không kịp suy nghĩ. Tổng cộng trong buổi tối 7/2, anh đã chuyển tiền 5 lần cho các đối tượng lừa đảo này với tổng số tiền 360 triệu đồng.
Anh Tuấn chỉ bừng tỉnh, phát hiện ra mình bị Dũng và Luật lừa sau khi một nhân vật thứ ba xuất hiện, tự xưng là Trưởng phòng giải ngân và yêu cầu chuyển ngay thêm 200 triệu đồng để kịp giải ngân.
Sau khi lừa được 360 triệu đồng và thấy anh Tuấn từ chối chuyển thêm 200 triệu đồng, các đối tượng trên còn gọi điện đe dọa nếu không nộp tiếp 200 triệu đồng để kịp giải ngân thì sẽ đến tận nhà xử lý rồi người thân, không cho sống yên ổn.
“Tôi chia sẻ câu chuyện “đỉnh của ngu” của mình để mọi người biết và phòng tránh khi vay tiền qua mạng, qua app. Khi đọc lại tin nhắn, tôi không hiểu sao mình ngu đến mức đó. Mẹ và bạn bè đều chửi mắng, nhưng lúc đó tôi giống như bị thôi miên, bị thao túng tâm lý, chỉ tìm cách xoay xở vay tiền để chuyển cho bọn lừa đảo”, bác sĩ Dương Minh Tuấn cay đắng nói.
Chia sẻ thêm với Báo điện tử Đầu tư -baodautu.vn, anh Tuấn cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, ngày 8/2, anh đã nhiều lần gọi điện lên liên hệ với các cơ quan chức năng để trình báo, song cũng được cho biết là khả năng khó lấy lại được tiền.
Thủ đoạn cũ, nhiều nạn nhân mới
Các chiêu bài lừa đảo như trên đã diễn ra nhiều năm nay, khiến hàng nghìn nạn nhân sập bẫy. Đầu tháng 1/2023, chị Phan Thị Xuân, công nhân một công ty may mặc tại Hà Nội cũng cho hay, chị đã bị mất 58 triệu đồng khi vay tiền qua mạng.
Cụ thể, các đối tượng mạo danh là người của Công ty tài chính Mirae Asset, cho biết hồ sơ vay của chị đã được giải ngân và hướng dẫn nhấn vào link https://inkbio.me/mirea để tải ví và rút tiền.
Ngay sau đó, chị Xuân bị đổ lỗi nhập sai số tài khoản, sai thông tin, sai quy trình rút tiền, bắt nộp thêm tiền bảo hiểm, phí bảo lãnh… Từ chỗ muốn vay 20 triệu đồng, chị Xuân đã bị lừa mất 58 triệu đồng. Sau khi chị Xuân phát hiện lừa đảo và không tiếp tục chuyển thêm tiền, các đối tượng này tung ảnh chứng minh thư, số điện thoại và thông tin cá nhân của chị lên mạng, bêu xấu chị trốn nợ và dọa sẽ khủng bố cả gia đình.
Trong khi đó, anh Trần Văn M. (tòa 18T1, chung cư Golden An Khánh, Hà Nội) mới đây cũng cho biết, cuối năm 2022, anh suýt bị lừa với thủ đoạn tương tự. Cụ thể, dịp sát Tết, do cần gấp 50 triệu đồng chữa bệnh cho mẹ nên anh đăng ký vay tại Công ty FE Crediet, sau khi thẩm định, công ty tài từ chối cho vay vì anh M có lịch sử nợ xấu.
Tuy nhiên, vài ngày sau, anh nhận được một cuộc điện thoại, tự xưng là nhân viên của Công ty tài chính FCCOM (thuộc Ngân hàng MSB). Người này cho biết mới chuyển từ FE Credit sang nên có thông tin hồ sơ của anh và cho biết FCCOM vẫn cho vay với lãi suất 0.7%/tháng, không cần thẩm định hồ sơ và đề nghị anh tải link ví điện tử của FCCOM để rút tiền. Tuy nhiên, do thấy nghi ngờ vì cho vay dễ dãi, lãi suất thấp, anh M. lên mạng kiểm tra thì thấy tên miền của FCCOM hoàn toàn khác với link đối tượng gửi, sau khi thắc mắc, đối tượng lừa đảo ngay lập tức chặn số điện thoại của anh.
Trước đó, Công ty tài chính FCCOM cũng thông báo cho biết, công ty này chỉ có một địa chỉ trang web duy nhất, chưa triển khai cho vay qua app và yêu cầu khách hàng không nộp phạt phí sai tài khoản, tạm ứng… qua bất kỳ ứng dụng, tài khoản cá nhân nào khi vay vốn tại FCCOM để tránh lừa đảo.
Thực tế, việc “đánh hơi” lừa đảo không phải quá khó nếu người dân cẩn trọng xác mình. Đơn cử, với trường hợp của bác sĩ Dương Minh Tuấn, chỉ cần tìm kiếm tên Trần Thông Dũng trên mạng xã hội, dễ dàng nhận thấy người này có một loạt tài khoản mạng xã hội, mạo danh nhiều công ty tài chính khác nhau, danh tính không rõ ràng và có dấu hiệu ảnh cắt ghép. Tuy vậy, do quá chủ quan, anh Tuấn vẫn bị lừa. Các trường hợp khác cũng tương tự, chỉ cần một giây mất cảnh giác, người dân đã bị sập bẫy lừa đảo và khi phát hiện ra thì đã muộn.