Vây quanh Trung Quốc là những phi đội máy bay Mỹ lớn nhất
Trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Mỹ tích cực bán máy bay chiến đấu hiện đại cho các nước và vùng lãnh thổ giáp biên giới với Trung Quốc như Nhật, Ấn Độ, Đài Loan.
Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Mỹ tích cực trang bị máy bay chiến đấu hiện đại mới nhất cho các nước và vùng lãnh thổ giáp biên giới với Trung Quốc như Đài Loan, Nhật và Ấn Độ, các chuyên gia lưu ý với trang tin The EurAsian Times.
Trước tình hình Trung Quốc tăng cường tiến hành các cuộc tập trận xâm lược, Đài Loan đang lên kế hoạch chi 1,44 tỉ USD mua thêm tiêm kích F-16 của Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ gần đây đã trưng bày tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, một trong những niềm tự hào của nước này tại cuộc triển lãm hàng không Singapore Airshow mặc dù tiêm kích này không phải để bán. Tất cả điều này cho thấy Mỹ nỗ lực giới thiệu tiêm kích được trang bị công nghệ hiện đại của nước này tại thị trường châu Á và gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.
Không chỉ có Đài Loan, các nước lớn tại châu Á như Nhật và Ấn Độ cũng đang mua máy bay quân sự của Mỹ với số lượng lớn nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Đài Loan sở hữu phi đội F-16 lớn nhất tại châu Á
Cuộc đối đầu không hồi kết giữa Đài Loan với Trung Quốc đã làm gia tăng nhu cầu về vũ khí của Mỹ, trong đó có máy bay chiến đấu, tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ ủng hộ Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc coi là lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết.
Mỹ, không chính thức công nhận chủ quyền của Đài Loan, đã cực lực phản đối hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan và ở Biển Đông.
Theo quy định của Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Mỹ được yêu cầu cung cấp vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan. Kể từ năm 2010, Mỹ thông báo các thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỉ USD với Đài Loan, bao gồm các tiêm kích F-16 hiện đại nhất.
Năm 2019, Mỹ phê duyệt bán 66 tiêm kích F-16 Block 70 của Lockheed Martin cho Đài Loan với giá ước tính 8 tỉ USD. Với thỏa thuận này, số lượng F-16 của Đài Loan sẽ tăng lên con số 200, trở thành nơi sở hữu phi đội F-16 lớn nhất tại châu Á.
Do gã khổng lồ hàng không vũ trụ General Dynamics và Lockheed Martin của Mỹ phát triển, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư F-16 được coi là máy bay chiến đấu có hiệu quả chi phí nhất thế giới. Có khoảng 3.000 chiếc F-16 hoạt động tại khoảng 25 quốc gia, theo The EurAsian Times.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã duyệt bán gói vũ khí trị giá 750 triệu USD cho Đài Loan, trong đó có 40 phó tự hành M109 mới và gần 1.700 bộ dụng cụ để chuyển đổi đạn pháo tiêu chuẩn thành đạn dẫn đường bằng GPS chính xác hơn, theo hãng tin Bloomberg.
Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất ở châu Á
Tập đoàn Lockheed Martin đã đảm bảo một thỏa thuận lớn bán tiêm kích tàng hình F-35 hiện đại nhất cho Nhật. Năm ngoái, Mỹ chấp thuận bán 105 chiếc F-35 cho Nhật, đưa Nhật trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất của mẫu máy bay tàng hình thế hệ thứ năm này.
Gói vũ khí được phê duyệt bao gồm 63 chiếc F-35A, phiên bản cất hạ cánh thông thường và 42 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.
Nhật sẽ trở thành nhà vận hành F-35 lớn thứ hai sau Mỹ và đứng trước Anh. Nhật sẽ sớm trở thành nước sử dụng biến thể F-35B lớn thứ tư thế giới. Hiện tại, Thủy quân lục chiến Mỹ, Không quân Hoàng gia Anh và Hải quân Ý sử dụng F-35B.
Nhật và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền đối với một nhóm đảo không có người ở mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Nhật cũng đã thể hiện sự ủng hộ quân sự đối với Đài Loan trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột toàn diện với Trung Quốc.
Nhà phân tích chiến lược Nitin J Ticku nhận định phi đội F-16 và F-35 lớn nhất bên ngoài Mỹ sẽ đóng tại châu Á. Tiêm kích F-22 Raptor hiện đại nhất của Mỹ cũng đã được triển khai ở châu Á, tại căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam.
Điều này rõ ràng chỉ ra rằng sau khu vực Trung Đông và Afghanistan, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể là trung tâm của cuộc đối đầu toàn cầu tiếp theo.
Ấn Độ có phi đội máy bay săn ngầm P-8I lớn nhất ngoài Mỹ
Ấn Độ, một cường quốc khác ở châu Á, cũng đang tích cực mua vũ khí do xung đột biên giới kéo dài với Trung Quốc.
Ấn Độ đã ký một số thỏa thuận quốc phòng với Mỹ trong vài năm qua, bao gồm một thỏa thuận mua 22 trực thăng AH-64E Apache và 17 trực thăng vận tải hạng nặng CH-47F(I) Chinook, cả hai đều do gã khổng lồ quốc phòng và hàng không vũ trụ Boeing sản xuất.
Ấn Độ cũng đang tăng cường phi đội máy bay đa nhiệm hàng hải P-8I Neptune. P-8I là biến thể của P-8A Poseidon (được hải quân Mỹ và khách hàng quốc tế sử dụng) dành riêng cho Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ hiện có 10 máy bay do thám P-8I, bao gồm cả hai chiếc đã được bàn giao hồi năm ngoái như một phần của đơn đặt hàng bổ sung cho bốn chiến mà nước này đặt năm 2016.
P-8I cũng được Ấn Độ triển khai tại vùng Ladakh làm nền tảng giám sát trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc. Động thái này nhằm xây dựng sức mạnh tổng hợp giữa ba nhánh quân chủng của lực lượng vũ trang Ấn Độ trong khi vẫn để mắt đến Trung Quốc.
“Đề xuất bán thêm sáu máy bay P-8I này sẽ cho phép Hải quân Ấn Độ mở rộng năng lực máy bay giám sát hàng hải trong 30 năm tới” – Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Mỹ nói vào thời điểm duyệt bán hồi tháng 4.
Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ vận hành phi đội máy bay săn ngầm P-8 lớn nhất bên ngoài Mỹ.
Gần đây, Hải quân Ấn Độ đã nhận hai trong số 24 trực thăng săn ngầm MH-60 Romeo mà nước này đã đặt mua. Năm 2018, Hải quân Ấn Độ được chấp thuận theo đuổi việc mua 24 trực thăng Sikorsky MH-60R. Hợp đồng cuối cùng đã được ký kết vào tháng 2-2020 trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyên gia Ticku cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đã có được sự thúc đẩy lớn do mối đe dọa từ Trung Quốc. Trước đó, đó là mối đe dọa từ Liên Xô, sau đó là đe dọa từ những kẻ khủng bố ở Trung Đông và những nơi khác. Tiếp đến, đối với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Israel thì đó là mối đe dọa từ Iran và giờ đây mối đe dọa Trung Quốc đang thúc đẩy các thỏa thuận vũ khí tại châu Á.