Vay tiền tỷ về quê xây biệt phủ: Sống cuộc đời thong dong giang hồ, ai thấy cũng ghen tị
Ở thành phố lớn nơi đất chật người đông, giá nhà cao vút, muốn sở hữu một không gian sống rộng lớn thênh thang và tận hưởng cuộc sống như vậy là hoàn toàn không thể.
Đừng nghĩ xây nhà ở nông thôn là chuyện dễ dàng. Anh Hình Vinh Hằng, ở tại Côn Sơn, Giang Tô, Trung Quốc, đã mất tới 3 năm để xây dựng và thế chấp một căn biệt thự đơn lập ở Thượng Hải để có đủ kinh phí xây dựng giai đoạn đầu.
Với số tiền tương đương hàng chục tỷ đồng trong tay, anh đã xây dựng một không gian sống đầy mơ ước với 6 ngôi nhà, 3 đình viện và 2 mẫu đất ruộng ở nông thôn. Đây chính là nơi khởi nguồn của cuộc sống điền viên, nhàn tản của gia đình anh.
Quanh nhà là dòng suối dài, thông với 2 hồ nước rộng lớn. Cách đó không xa là núi non xanh biếc. Nếu cần trở lại trung tâm Thượng Hải do công việc, họ cũng chỉ mất 1,5 giờ lái xe.
Là chủ một công ty thiết kế, anh Hình có được thu nhập khả quan nhưng cường độ làm việc quá cao. Điều đó dẫn đến một vấn đề: thiếu giao tiếp với gia đình. Đối với vợ chồng anh, thế giới của trẻ thơ nên có trời xanh, mây trắng, ruộng đồng, không gian rộng rãi. Do đó, hai vợ chồng bàn bạc và quyết định xây tổ ấm ở quê.
Mỗi sáng, vợ anh dậy lúc 5 giờ để uống trà và ngồi thiền. 3 đứa trẻ trong nhà không còn bị ám ảnh bởi các sản phẩm điện tử nữa. Chúng leo núi, thăm đồng và chơi với ngỗng mỗi ngày. Nhờ vậy, hai vợ chồng hoàn toàn yên tâm để làm việc.
So với đô thị hào nhoáng, cuộc sống điền viên chân chất đưa con người trở về đúng với bản chất.
"Từ Thượng Hải về nông thôn có đáng không?" Rất nhiều người đã hỏi anh Hình câu này.
Câu trả lời của anh luôn là: Rất đáng.
Quê hương của anh Hình nằm ở phía đông Chiết Giang, Trung Quốc. Trong ký ức tuổi thơ, anh luôn nhớ đến tường trắng ngói đen, mỗi ngày tan học đều tụ tập với bạn bè nô đùa, hoặc ngồi ở cửa nhìn trời xanh mây trắng, lắng nghe tiếng ve sầu và tiếng chim hót.
Vì vậy, khi nhìn thấy ngôi làng nhỏ ở Côn Sơn, anh hy vọng con cái của mình cũng được có một tuổi thơ trọn vẹn như vậy. Thay vì những ngôi nhà cao tầng, xe cộ đông đúc, người với người vội vàng lướt qua nhau, bé sẽ nhớ về những ngôi làng cổ kính, sông nước róc rách, những khoảng trời bình yên.
Biệt phủ mới sau khi cải tạo bao gồm 6 căn nhà, có đình viện để uống trà và thư giãn, có khoảng 10 căn phòng được cải tạo thành homestay và một tiệm tạp hóa nhỏ để bán đồ cho khách. Anh cũng xây một studio riêng để làm việc, đảm bảo dù không có mặt ở thành phố, anh vẫn kiếm ra thu nhập đều đặn.
Mất gần 3 năm để xây dựng khu nhà và thiết kế toàn bộ sân vườn, tuy nhiên, anh Hình vẫn cảm thấy nó hoàn toàn đáng giá. "Đối với một người đã sống ở Thượng Hải hơn 20 năm như chúng tôi mà nói, có được một thế giới riêng rộng lớn như vậy thực sự là một điều xa xỉ".
Sau khi chuyển về quê, cánh đồng đã trở thành "khu vui chơi" của lũ trẻ. Chúng ra đồng bắt tôm bắt chạch, tận hưởng không khí thơm mùi cỏ xanh. Trước mặt mỗi bé đều có cả một khoảng trời rộng lớn, chứ không bị đóng khung bởi các cửa sổ cao tầng.
Ngôi nhà là chốn bình yên với cánh cửa gỗ cũ trong sân, có thể nhìn thấy tiếng nước róc rách, còn có đá núi tự nhiên giúp cảnh quan thêm phần hài hòa. Cây hoa mộc trong sân cũng khẽ rung lên theo từng nhịp gió.
Khuôn viên phía sâu có xây một hồ nhỏ, trong đó nuôi một số loại cây thủy sinh và cá vàng. Đây cũng là nơi lũ trẻ thường đến nô đùa nên mực nước trong hồ không sâu, lúc nào cũng đảm bảo sạch sẽ.
Đình viện là nơi những người lớn trong nhà thường ngồi thư giãn, vừa thiền, vừa giải trí. Khi có bạn bè từ phương xa tới chơi, họ cũng tụ tập tại đây, vừa ăn uống vừa cười đùa.
Vợ chồng anh Hình cũng thuê 2 mẫu đất ruộng để tự mình trồng một số loại rau theo mùa. Rau do chính tay mình trồng, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón, phát triển tự nhiên với môi trường.
Từ đó, anh Hình cũng yêu thích việc trồng cây. Cây cối trong sân đều do anh tự xử lý. Nhờ sự giúp đỡ của người dân trong vùng, họ tìm thấy những cây sồi xanh, cây quế thơm, cây hồng, một cây long não cao lớn, tất cả đều được cấy vào vườn.
Trong quá trình xây dựng, các con anh cũng góp phần phụ giúp không ít. Những đứa trẻ vừa vui đùa, vừa giúp làm sạch một số vật dụng, sắp xếp đồ đạc, trang trí những khung cửa sổ. Đối với các bé, ngắm nhìn ngôi nhà được thành hình từng chút một sẽ là kỷ niệm đẹp nhất trong tuổi thơ.
Sống ở Thượng Hải, lúc nào bạn cũng ngủ muộn và gần như không thể dậy sớm. Nhưng kể từ khi trở về cuộc sống nông thôn, vợ chồng anh Hình gần như đều tự động dậy lúc 5 giờ, đi dạo quanh sân, ngắm mặt trời mọc từ phía đông, hoặc quét nhà và uống trà. Vào thời gian rảnh rỗi, họ chơi cờ và vẽ tranh cùng con.
Tưởng chừng như "không làm gì", nhưng lại có thể thư giãn cả thân thể và tâm hồn, gột rửa mọi cảm xúc bốc đồng.
Khoảng nửa tháng, anh Hình vẫn trở lại Thượng Hải một lần để xử lý công việc, hoặc mua sắm đồ đạc cần thiết. Nhưng về cơ bản, giữ một khoảng cách nhất định với thành phố lớn khiến khi quay trở lại, gia đình anh cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều. Đó là một cảm giác rất quyến rũ, chứ không phải sự chán chường và mệt mỏi cố hữu mọi khi.