Vay vàng nhưng chỉ trả tiền gốc: Pháp luật quy định thế nào?

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, khi đã vay vàng thì bên vay phải trả lại vàng theo đúng số lượng và chất lượng đã vay.

Tranh cãi trả vàng hay tiền

Những ngày gần đây, giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục kéo theo nhiều câu chuyện tranh cãi liên quan đến vay nợ bàng vàng thì khi trả sẽ trả bằng vàng hay tiền theo giá trị lúc vay. Câu chuyện trở thành vấn đề tranh cãi khốc liệt vì người cho vay cho rằng, khi cho vay bằng vàng thì trả cũng bằng vàng, nếu trả bằng tiền thì họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Vì giá vàng hiện đã cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lúc họ giao vàng.

Trong khi đó, người vay lại cho rằng, khi vay thì họ đã bán vàng lấy tiền nên khi trả cũng chỉ trả tiền. Giá vàng tăng quá cao nếu trả vàng thì họ lại là người chịu thiệt vì “quá vay nặng lãi”.

Nội dung được chia sẻ với nhiều ý kiến tranh cãi.

Nội dung được chia sẻ với nhiều ý kiến tranh cãi.

Đáng lưu ý là câu chuyện được một phụ nữ kể lại và đăng lên mạng xã hội. Theo đó, từ 10 năm trước, chị bán mảnh đất được hơn 1 tỷ đồng, vì chưa cần tiền gấp nên mua hết vàng làm của để dành. Lúc đó, vợ chồng em gái muốn mở cửa hàng kinh doanh nên đến hỏi vay tiền.

Vợ chồng đã đồng ý cho hai em vay 10 cây vàng. Sau đó, em gái mang vàng đi bán với giá 37 triệu/cây vàng, tương đương 370 triệu đồng. Trong 5 năm đầu, vợ chồng chị không lấy lãi nhưng thi thoảng người em gái mang quà sang biếu để khất thời gian trả nợ. Sau đó, vợ chồng chị nhiều lần đòi em gái nhưng không được.

Đến giữa tháng 4/2024, người em gái sang trả 370 triệu đồng. “Tôi giật mình không thể tin được lời em gái nói. Tôi bảo 10 năm trước anh chị cho vay vàng thì giờ phải trả bằng vàng, nếu trả bằng tiền mặt thì cũng phải quy đổi sang giá vàng hiện tại”, người phụ nữ chia sẻ.

Tuy nhiên, người em gái nhất quyết chỉ trả đúng bằng số tiền đã bán vàng.

Pháp luật quy định thế nào?

Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Thị Sương - Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng) cho biết, theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.

Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn phải trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Luật sư Nguyễn Thị Sương.

Luật sư Nguyễn Thị Sương.

Như vậy, nếu giữa các bên có xác lập hợp đồng vay tài sản là “vàng” (dù bằng miệng hoặc bằng văn bản) thì bên vay “vàng” phải hoàn trả cho bên cho vay đúng số lượng, chất lượng “vàng” đã vay.

Luật sư Sương cho biết thêm, pháp luật hiện hành không cấm thỏa thuận vay tài sản bằng miệng. Do đó, nếu bên vay thừa nhận có việc vay tài sản là “vàng” hoặc bên cho vay có tài liệu, chứng cứ chứng minh bên vay đã vay tài sản là “vàng” thì bên vay phải có trách nhiệm trả “vàng” cho bên cho vay.

Nếu bên vay không thừa nhận rằng đã vay tài sản là “vàng” thì buộc bên cho vay phải chứng minh, bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bên nào khởi kiện thì bên đó phải cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Làm sao để cho vay tiền chắc chắn sẽ thu hồi được?

Thông tin với Người Đưa Tin về thắc mắc trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho hay, thực tế để thu hồi nợ được hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: hồ sơ pháp lý, uy tín của người vay nợ, khả năng trả nợ và tài sản đảm bảo của người vay…

Bởi lẽ đó, góc độ luật người cho vay cần xác định những vấn đề trước khi cho vay. Thứ nhất, nội dung giấy tờ vay nợ có đầy đủ thông tin nhân thân, số tiền vay, ngày trả, mục đích vay và có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực là tốt nhất.

Thứ hai, cần ghi rõ hoặc có biên bản bàn giao tài sản ghi giao nhận đủ tiền, tránh việc ghi nợ xong mà quên ghi bàn giao tiền. Hoặc nếu có thể nên chuyển khoản và ghi rõ nội dung chuyển khoản là vay mượn.

Thứ ba, cần kiểm tra kỹ uy tín, năng lực trả nợ của người vay. Nếu là các khoản nợ nhỏ nên yêu cầu cam kết trả nợ của người thứ ba như bố mẹ, người có khả năng trả nợ vào giấy vay nợ. Nếu là những khoản nợ giá trị lớn nên có tài sản đảm bảo và phải công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo.

“Đây chỉ là một số giải pháp tối ưu nhất để có thể thu hồi số tiền cho vay. Thực tế có thể phát sinh rất nhiều vấn đề khó có thể lường trước. Vì thế, mọi người cần cân đối số tiền cho vay (chiếm bao nhiêu % giá trị tài sản đang có), như thế cũng là biện pháp hạn chế rủi ro”, Luật sư Hùng khuyến cáo.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vay-vang-nhung-chi-tra-tien-goc-phap-luat-quy-dinh-the-nao-a660981.html