VBA góp ý Dự thảo Nghị định thi hành Luật Quảng cáo

Ngày 24/7, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có văn bản gửi Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo.

VBA cho rằng một số điểm trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo có thể tạo ra những hạn chế không cần thiết và gây khó khăn cho ngành bia – rượu – nước giải khát.

Nội dung góp ý cụ thể như sau:

Không bổ sung hạn chế mới cho ngành bia – rượu: Các quy định kiểm soát quảng cáo đồ uống có cồn đã được quy định chi tiết trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định 24/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Luật Quảng cáo sửa đổi năm 2025 cũng không có nội dung bổ sung riêng đối với sản phẩm có cồn. Do đó, VBA đề nghị Dự thảo Nghị định không đặt thêm yêu cầu hoặc hạn chế mới vượt quá các quy định hiện hành.

VBA cho rằng một số điểm trong Dự thảo có thể tạo ra những hạn chế không cần thiết và gây khó khăn cho ngành bia – rượu – nước giải khát

VBA cho rằng một số điểm trong Dự thảo có thể tạo ra những hạn chế không cần thiết và gây khó khăn cho ngành bia – rượu – nước giải khát

Làm rõ phạm vi phương tiện quảng cáo được phép áp dụng cho bia: Hiệp hội kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể các loại hình quảng cáo hợp pháp cho bia (như video số, in-app, sự kiện) để tránh hiểu nhầm và đảm bảo thực thi đồng bộ với các luật hiện hành.

Đề xuất miễn trừ áp dụng với các hoạt động không mang tính thương mại: VBA cũng đề xuất có hướng dẫn linh hoạt cho các nội dung trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), tài trợ văn hóa – thể thao, chương trình uống có trách nhiệm và truyền thông nội bộ, v.v., vì đây là những hoạt động không mang tính thương mại.

Thời gian chuyển tiếp cần tối thiểu 6 tháng: Để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, cập nhật nội dung sáng tạo, hợp đồng truyền thông và đào tạo đội ngũ, VBA đề nghị áp dụng thời gian chuẩn bị tối thiểu 6 tháng sau khi Nghị định được ban hành.

Góp ý cụ thể về Điều 13 và Điều 20 Luật Quảng cáo

Đối với Điều 13 về nội dung bắt buộc trong quảng cáo, VBA cho rằng khái niệm “phương thức sử dụng” là không phù hợp với đặc thù sản phẩm bia vì bia đã phổ biến và không cần hướng dẫn sử dụng. Hiệp hội kiến nghị loại bỏ hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn (ví dụ: “dùng lạnh” hoặc “uống trực tiếp”). Ngoài ra, việc yêu cầu đưa tên và địa chỉ đơn vị phân phối vào mọi quảng cáo là không cần thiết và có thể hạn chế tính sáng tạo, đặc biệt khi thông tin này đã có trên bao bì sản phẩm.

Về Điều 20 liên quan đến việc cung cấp dữ liệu nền tảng số trung gian, VBA bày tỏ quan ngại về việc cho phép “bên thứ ba” truy cập miễn phí vào các công cụ đo lường hiệu suất và dữ liệu của nền tảng. Hiệp hội cho rằng, dữ liệu này có thể bao gồm thông tin nhạy cảm, bí mật kinh doanh, chiến lược marketing của doanh nghiệp. Việc cho phép bên thứ ba truy cập có thể không phù hợp và quy định “dữ liệu phải được cung cấp một cách phù hợp” có thể dẫn đến áp dụng tùy nghi, khó xác định.

Tại điều 20 Luật Quảng cáo, VBA kiến nghị bỏ “bên thứ ba” hoặc quy định cụ thể hơn các thông tin mà bên thứ ba có quyền tiếp cận để đảm bảo không ảnh hưởng đến bí mật thông tin của người quảng cáo, đồng thời quy định cụ thể hơn về nội dung này để tránh mở rộng không cần thiết phạm vi dữ liệu cung cấp.

Hiệp hội VBA trân trọng cảm ơn sự lưu tâm và xem xét của Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với những góp ý này.

Nguyên Vỵ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vba-gop-y-du-thao-nghi-dinh-thi-hanh-luat-quang-cao-152834.htm