VBF giữa kỳ 2019: Vai trò Chính phủ và DN lên tầm cao mới

Chính phủ từ vai trò cởi trói, tháo gỡ khó khăn đã chuyển sang yểm trợ DN phát triển. Trong khi cộng đồng DN cũng chuyển từ bị động sang chủ động thiết kế các chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đó là thông điệp xuyên suốt Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội với chủ đề 'Vai trò của cộng đồng DN trong phát triển nhanh gắn với bền vững'.

Quang cảnh Diễn đàn

Quang cảnh Diễn đàn

Tháo điểm nghẽn, hướng tới tầm nhìn dài hạn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu như trước đây diễn đàn tập trung nêu phản ánh vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hoạt động, thì hôm nay diễn đàn phải chuyển sang một trạng thái mới cao hơn, đó là nói về vai trò và trách nhiệm của chúng ta trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là phát triển nhanh gắn với bền vững.

Đại diện cho cộng đồng DN quốc tế, bà Virginia Foote - đồng chủ tịch VBF chia sẻ, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển bền vững lâu dài, như thực thi thận trọng các cam kết quốc tế, thúc đẩy cải cách trong nước. Phân tích cụ thể hơn về các cơ hội này, bà cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 3 nội dung quan trọng trong chặng đường phát triển sắp tới.

Đầu tiên, các NĐT nước ngoài phải có sân chơi bình đẳng và dễ đoán trước để thu hút đầu tư mới và duy trì các hoạt động đầu tư đã có ở Việt Nam. Nội dung thứ hai liên quan đến khung cơ sở hạ tầng. Đây là nhu cầu cấp thiết để có nền kinh tế tái tạo và tuần hoàn. Cuối cùng, để có khuôn khổ hợp tác và tầm nhìn bền vững phải thiết lập hệ thống chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo. “Sáng tạo sẽ mang lại lợi thế đặc thù cho Việt Nam và cơ hội tuyệt vời để phát triển bền vững”, đồng chủ tịch VBF khẳng định.

Đại diện cho tiếng nói từ cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bên cạnh các vấn đề dài hạn, vẫn cần chú trọng tới việc tháo gỡ các điểm nghẽn trên môi trường kinh doanh hiện nay với các gánh nặng thủ tục hậu đăng ký kinh doanh. Khảo sát của VCCI cho thấy 30% DN than phiền gặp khó khăn về vấn đề này, đặc biệt trong việc xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật…

Cùng với đó, phải giải quyết nhanh điểm nghẽn thủ tục hành chính và khung khổ pháp luật, trong đó có các chồng chéo bất hợp lý liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, môi trường… các ách tắc ở địa phương bắt nguồn từ sự bất hợp lý của hệ thống pháp luật. “Trường hợp chưa sửa đổi được phải có sự áp dụng nhất quán giữa các địa phương, tránh mỗi nơi hiểu một kiểu”, ông Lộc đề nghị.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển nhanh và bền vững phải chú trọng cả yếu tố bao trùm. Theo đó, cần có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn lực lượng DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chúng ta đã có Luật Hỗ trợ nhưng cần đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện.

Cùng với đó, các quy định khác cần sửa đổi ngay là Luật DN, trong đó bổ sung quy định hộ kinh doanh được coi là loại hình DN, giảm các chi phí hành chính, thủ tục hành chính với hộ kinh doanh; hoặc sửa Luật Lao động để mở rộng khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm, và có biện pháp nâng cao hơn chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu giai đoạn nền kinh tế số.

Phát triển phải bền vững

Lắng nghe các ý kiến từ phía cộng đồng DN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam. “Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tái khẳng định các nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết tâm triển khai trong thời gian tới. Trước hết, phải giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới biến động, khó lường.

Thứ hai, phải tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực DNNN, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả…

Cùng với đó, tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư và các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhóm nhiệm vụ nữa sẽ được Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm…

Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực cho tăng trưởng, là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra yêu cầu về trách nhiệm xã hội của DN trên 3 khía cạnh là kinh tế, pháp lý và đạo đức.

Về khía cạnh kinh tế, DN cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động; tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hóa và dịch vụ bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.

Ngọc Khanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/vbf-giua-ky-2019-vai-tro-chinh-phu-va-dn-len-tam-cao-moi-89336.html