VBS 2020: Khẳng định thông điệp Chính phủ đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2020 (VBS 2020), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng DN và người dân, tích cực chủ động đổi mới sáng tạo gắn kết, cùng tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vươn lên phát triển bao trùm và bền vững.
Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, VBS 2020 - một hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động DN bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 - đã chính thức diễn ra ngày hôm nay - 12/11. Hơn 1500 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham gia trực tiếp và trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.
Động lực mới từ kinh tế số
Khẳng định dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu, song Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, đại dịch COVID-19 càng cho thấy số hóa hay công cuộc chuyển đổi số là xu thế của thời đại, thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh…
Có thể thấy, công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng...
“Không chỉ vậy, kinh tế số (KTS) còn tạo thêm nguồn tài nguyên mới - tài nguyên số, của cải số cho phát triển, thay đổi cách giao tiếp của con người, tạo cơ hội cho các nước và nước nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã tận dụng để hiện thực thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ KTXH trong trạng thái bình thường mới…
Theo đó, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%, dự kiến cả năm đạt 2-3%. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF, năm 2020 Việt Nam có thể vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong khối ASEAN.
Cùng với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, viễn thông, khu công nghiệp… đã và đang được xây dựng, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ngày càng trở thành môi trường kinh doanh hiện đại và kết nối thuận tiện hơn.
4 cam kết từ Chính phủ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ hành động quyết liệt luôn đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, thu hút luồng vốn FDI từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại, chuyển đổi số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, phương thức xuất, tiêu dùng và giao tiếp mới...
Để đưa đất nước vươn lên phát triển bao trùm và bền vững, thực hiện khát vọng phồn vinh và hạnh phúc, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam cam kết:
Thứ nhất, nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ DN và người dân. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh DN, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Thứ hai, thúc đẩy nền KTS, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của KTS lên 20%GDP của cả nước vào năm 2025.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.
Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.
“Chúng tôi tưởng rằng, thông qua Hội nghị ngày hôm nay, quý vị đại biểu sẽ càng hiểu rõ hơn kinh tế Việt Nam và đưa ra được các hướng kinh doanh bền vững, kết nối được với các đối tác tin cậy cho mình”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) là Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên lớn nhất của Việt Nam, quy tụ hàng nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước tới tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam. Hội nghị là diễn đàn hàng đầu để các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương giới thiệu những định hướng, ưu đãi mới nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thu hút luồng đầu tư chất lượng cao. Hội nghị cũng là cơ hội để các DN cùng thảo luận, trao đổi những thực tiễn tốt, mô hình hợp tác thành công, đưa ra các khuyến nghị nhằm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, Hội nghị năm nay tập trung thảo luận những cơ hội mới cho các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực, đặc biệt trong hai lĩnh vực then chốt: dịch vụ hậu cần thông minh (logistics) và nông nghiệp công nghệ cao.