VCBS: Đà hồi phục của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn mong manh

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang nỗ lực, để cải thiện tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều áp lực lớn đang bủa vây doanh nghiệp này...

Triển vọng hoạt động kinh doanh của HBC vẫn còn nhiều yếu tố bất định

Triển vọng hoạt động kinh doanh của HBC vẫn còn nhiều yếu tố bất định

Chứng khoán VCBS vừa công bố báo cáo phân tích Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC). VCBS cho biết, trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, HBC đã thực hiện mở rộng mảng bất động sản bằng cách sử dụng nguồn vốn từ việc chào bán cổ phiếu cho đối tác để mua các dự án bất động sản.

Cùng với đó, HBC đã thực hiện thành công phương án này với dự án 127 An Dương Vương. Ước tính thương vụ này đem về 564 tỷ đồng, dự kiến ghi nhận trong quý 2/2025. Với dự án Resort Hải Lưu, HBC đang trong quá trình đàm phán, trong trường hợp thành công, HBC sẽ ghi nhận lãi dự kiến 800 tỷ đồng vào quý 4/2025.

Việc M&A các dự án có pháp lý sạch, sẵn sàng bàn giao giúp công ty đẩy nhanh tiến độ ghi nhận dòng tiền. Đây là chiến lược phù hợp trong giai đoạn dòng tiền lớn của HBC tắc nghẽn tại khoản phải thu. Tuy nhiên, điểm hạn chế của chiến lược này nằm ở rủi ro pha loãng cổ phần do mua lại dự án bằng nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu.

Dù vậy, Chứng khoán VCBS vẫn nhận định, triển vọng hoạt động kinh doanh của HBC vẫn còn nhiều yếu tố bất định, đà phục hồi mong manh. Thứ nhất, áp lực dòng tiền đến từ khoản phải thu còn tương đối lớn. Khoản phải thu quý 1/2024 đạt 10.618 tỷ đồng, vẫn giữ xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Dự phòng nợ khó đòi của BHC trong quý 1/2024 đạt 2.387 tỷ, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Mặc dù doanh nghiệp đã tích cực đẩy nhanh tiến trình thu hồi nợ, tốc độ thu hồi còn tương đối chậm.

Điều này đặt ra rủi ro đáng kể đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong trường hợp các khoản phải thu tiếp tục trở thành nợ xấu và doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng.

Trong năm 2024, VCBS đánh giá khả năng cao HBC vẫn cần phải tiếp tục trích lập dự phòng do các doanh nghiệp bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, nhu cầu về bất động sản còn chưa chắc chắn.

Đồng thời, HBC ghi nhận khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng, tức ghi nhận trước khi chủ đầu tư nghiệm thu và lập hóa đơn. Vì vậy, khoản phải thu tại HBC thường có tốc độ tăng cao hơn so với những doanh nghiệp ghi nhận theo khối lượng công việc đã được nghiệm thu.

Thứ hai, thị trường bất động sản dân dụng chưa có sự hồi phục rõ ràng, nguồn việc trong nước còn hạn chế. Theo đó, nguồn tiền lớn chủ yếu của Xây dựng Hòa Bình nằm tại khoản phải thu từ khách hàng, sự phục hồi của thị trường, do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu hồi khoản nợ của HBC. Bên cạnh đó, chủ đầu tư tại các dự án của HBC chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, cần nhiều thời gian để phục hồi hơn sau giai đoạn trầm lắng.

Thứ ba, chiến lược mở rộng sang thị trường nước ngoài cần thêm thời gian dài để có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận. Lý giải nhận định này, VCBS cho rằng, rào cản về pháp lý và cạnh tranh từ những doanh nghiệp xây dựng nội địa đang rất lớn. Nguồn vốn hạn chế hiện tại tạo ra nhiều khó khăn cho HBC thực hiện chiến lược thâm nhập qua M&A.

“Hơn nữa, việc đòi hỏi nguồn vốn cao, chiến lược này cần có hiệu quả sử dụng vốn ổn định thông qua việc tái đầu tư tại thị trường nước ngoài, nơi mà HBC chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh. Việc tận dụng lợi thế chi phí vật liệu thấp từ Việt Nam sẽ chỉ khả thi khi hoạt động xây lắp của HBC tại địa phương đã đạt quy mô đủ lớn để thành lập tuyến xuất nhập khẩu mới và thay đổi chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng trong khu vực”, báo cáo nêu.

Liên quan đến doanh nghiệp này, vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Cụ thể, Xây dựng Hòa Bình bị phạt 65 triệu đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật trên hệ thống công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đối với các tài liệu sau: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2022; Thông báo thay đổi thành viên Hội đồng quản trị; Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau soát xét đối với Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2022 được soát xét; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 4/2022.

Đồng thời, công ty còn bị phạt tiền 125 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.

Theo đó, Xây dựng Hòa Bình đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020 với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị để nhận chuyển nhượng bất động sản từ ông Hải với giá trị 120 tỷ đồng khi chưa được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty thông qua.

Như vậy, với tất cả những vi phạm trên, Xây dựng Hòa Bình bị xử phạt với tổng số tiền là 190 triệu đồng.

Mễ Mễ

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vcbs-da-hoi-phuc-cua-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-con-mong-manh-post552897.html