VCCI: 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt
Bộ quy tắc đạo đức doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh, và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam tại hội nghị ban chấp hành lần thứ ba, khóa VII.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết bộ quy tắc được hoàn thiện và đề xuất với sáu điều cụ thể, được nghiên cứu dựa trên các quy tắc đạo đức kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới, và các nguồn thông tin trong nước như Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xây dựng.
Cụ thể, Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm tạo giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; và yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức, và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, nguyên tắc thứ hai – tuân thủ pháp luật – là phẩm chất cơ bản cần có trong ý thức và hành động. “Tuân thủ pháp luật để đảm bảo sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, trong điều hành doanh nghiệp và tương tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế.
Hai quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiện nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.
Sáu quy tắc đạo đức trên nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hóa kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao.
Ngoài ra, bộ quy tắc cũng nhằm góp phần củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
VCCI sẽ xây dựng bộ tiêu chí để cụ thể hóa nội dung từng quy tắc đạo đức, từ đó, bộ tiêu chí có thể sử dụng như công cụ để các doanh nhân tổ chức thực hiện; cũng như xem xét, đánh giá việc thực hành đạo đức doanh nhân.
Theo ông Công, thực tế hiện nay, đại đa số doanh nhân Việt Nam làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, đang nỗ lực vươn mình vượt khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt yếu kém, hạn chế, làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững, vấn đề phẩm chất đạo đức cần được nhấn mạnh.
Ông Công nhấn mạnh: "Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đều bắt đầu từ con người, do con người và vì con người, do vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đạo đức doanh nhân, đây là yếu tố nền tảng, là cốt lõi hình thành nên văn hóa của mỗi doanh nghiệp".
Hiện nay, Việt Nam có trên 850.000 doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh, tương ứng với đó là số lượng doanh nhân lên đến hàng triệu người.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ yêu cầu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”, và đặt ra mục tiêu đưa đất nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Quán triệt mục tiêu phát triển đất nước của Đại hội Đảng XIII đã đặt ra, Nghị quyết Đại hội VII của VCCI đã xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có việc “Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp”.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vcci-6-quy-tac-dao-duc-doanh-nhan-viet-1652974914374.htm