VCCI đề xuất miễn thuế nhập khẩu qua thương mại điện tử theo năm
Đây là một trong những góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Theo VCCI, điều 4.4 dự thảo quy định chủ hàng hóa nhập khẩu được quyền khai hải quan. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa phù hợp với Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến hệ thống gặp sự cố, Điều 7.4 dự thảo quy định cơ quan hải quan thông báo nếu Hệ thống gặp sự cố không khai báo được. Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo chưa có quy định về phương thức cung cấp thông tin trong trường hợp này. Cụ thể, doanh nghiệp có được khai hồ sơ giấy (và cập nhật bản điện tử sau khi Hệ thống hoạt động trở lại) hay không? Nếu không, doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu do không thông quan được. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.
Đối với quy định doanh nghiệp có trách nhiệm trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật an toàn trong hoạt động giao dịch điện tử đảm bảo việc khai báo, truyền, nhận, lưu trữ thông tin khi truy cập và trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử, theo VCCI cần phải xem xét cụ thể ở các điểm.
Thứ nhất, quy định chưa rõ ràng: không rõ các yêu cầu với hạ tầng kỹ thuật mà doanh nghiệp cần trang bị là gì?
Thứ hai, quy định chưa phù hợp: Điều 8.2.b dự thảo cho phép doanh nghiệp thực hiện theo một trong hai phương thức: (i) sử dụng trực tiếp chức năng trên Hệ thống; (ii) kết nối vào Hệ thống. Do đó, chỉ các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức (ii) mới có thể cần trang bị thêm một số hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cho việc kết nối. Quy định tại Điều 8.1.b dự thảo áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp là chưa phù hợp trong trường hợp (i);
“Quy định này dường như “thừa”: Điều 8.2.b Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp kết nối với Hệ thống phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật và định dạng dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố, nghĩa là doanh nghiệp đã phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nhất định trước khi kết nối vào Hệ thống. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp trang bị thêm hạ tầng kỹ thuật, trong khi chưa rõ hạng mục cần trang bị là “thừa”, VCCI cho biết.
Cũng theo VCCI, điều 13.1.b Dự thảo quy định hàng hóa thương mại điện tử nhập khẩu có giá trị hải quan từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống hoặc trên 2 triệu đồng với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành. Quy định này cần xem xét lại ở một số điểm sau đây:
Thứ nhất, quy định áp dụng cho các hàng hóa đơn chiếc trên 2 triệu đồng (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc Danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). VCCI cho rằng, quy định này dường như chưa thực sự hợp lý. Bản chất của việc miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử là do giá trị của hàng hóa quá nhỏ so với chi phí kiểm tra. Do đó, việc miễn kiểm tra chuyên ngành toàn bộ cho nhóm này là chưa hợp lý. Thực tế nhiều hàng hóa đơn chiếc, chẳng hạn các mặt hàng điện, điện tử tương đối nhỏ gọn để vận chuyển xuyên biên giới, nhưng lại có giá trị lớn. Khi đó, việc áp dụng kiểm tra chuyên ngành với trường hợp này là cần thiết.
“Thứ hai, Dự thảo đặt ra giới hạn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu là 01 đơn/ngày và không quá 4 đơn/tháng. Như vậy, có thể suy đoán quy định đang thiết kế để quản lý theo người mua (tại Việt Nam), và quản lý đơn hàng theo đơn vị ngày, tháng”, báo cáo của VCCI nêu rõ.
VCCI phân tích thêm, đối với cách thiết kế này cần xem xét ở các điểm sau: cách thiết kế giới hạn theo đơn vị ngày, tháng rất khó áp dụng và thiếu tính khả thi. Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc đơn hàng có được miễn kiểm tra chuyên ngành hay không cho người mua trước khi mua hàng. Việc này sẽ yêu cầu một cơ chế liên thông thông tin giữa tất cả các sàn.
Cơ chế này sẽ rất phức tạp do đặc thù của hoạt động mua sắm thương mại điện tử, cụ thể người tiêu dùng thường sử dụng nhiều nền tảng sàn thương mại điện tử: Hệ thống phải kết nối thông tin giữa tất cả các sàn thương mại điện tử; một người mua có thể đặt cùng lúc nhiều đơn hàng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn: do các chương trình khuyến mại lớn và người mua có thể lựa chọn sẵn sản phẩm cần mua, trong thời điểm khuyến mại, người mua có thể nhanh chóng đặt rất nhiều đơn hàng cùng lúc. Việc này yêu cầu Hệ thống truy vấn phải cực kỳ nhanh và cập nhật liên tục để trả kết quả chính xác đến từng giây;
“Nếu Hệ thống truy vấn không thể đáp ứng được các yêu cầu trên, quy định này sẽ gây rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp khi không thể cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng và tăng rủi ro hủy đơn, dẫn đến tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc áp dụng hạn ngạch nên được quản lý theo khoảng thời gian dài hơn (chẳng hạn, theo năm) hoặc quản lý đơn lẻ theo từng sàn thương mại điện tử”, VCCI nêu.
Bên cạnh đó, theo VCCI cách quản lý theo người mua cũng chưa phù hợp với giao dịch qua biên giới qua thương mại điện tử do những đặc điểm khác biệt của hình thức này so với việc giao dịch qua biên giới truyền thống.
Cụ thể giao dịch qua biên giới truyền thống: các đơn vị nhập khẩu ở Việt Nam thường là các đơn vị nhập khẩu thường xuyên nên có tính chuyên nghiệp và có thể xác định được một cách chính xác. Trong khi đó, các thông tin về người bán ở nước ngoài thường khó kiểm chứng, và thực tế có thể dùng nhiều cách thức để thay đổi từ người bán này sang người bán khác. Do vậy, cơ quan nhà nước thường quản lý hoạt động nhập khẩu theo người mua (đơn vị nhập khẩu);
Giao dịch thương mại điện tử qua biên giới: hoạt động giao dịch qua sàn thương mại điện tử kiểm soát được thông tin từ cả hai phía (người mua và người bán), và đặc biệt là thông tin người bán được kiểm soát chặt chẽ hơn rất nhiều (theo các quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP). Hơn nữa, người mua trên sàn thường có xu hướng dựa vào các tiêu chí như đánh giá, số lượng mua hàng,… để lựa chọn người bán, và do đó các đơn hàng thường sẽ tập trung chủ yếu vào một số lượng người bán nhất định. Các thông tin về những người bán này (tên gian hàng, thông tin người bán, thông tin gian hàng) sẽ đầy đủ và khó thay đổi.
VCCI đề xuất, thay vì quản lý theo người mua, cơ chế kiểm soát hạn ngạch có thể áp dụng cho người bán. Theo đó, những người bán có số lượng đơn hàng trong năm thấp có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành, tương tự như cách thức quản lý với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh. Những người bán có số lượng đơn hàng lớn có thể áp dụng việc kiểm tra chuyên ngành.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc: (i) sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm hoặc theo từng sàn thương mại điện tử, hoặc (ii) xây dựng cơ chế quản lý theo người bán.
Cùng với đó, theo VCCI, điều 14.1 dự thảo quy định giới hạn miễn thuế theo ngày, tháng. Tuy nhiên, như VCCI phân tích, việc quản lý theo ngày, tháng rất phức tạp và khó khăn. Việc cung cấp không chính xác thông tin về giá trị đơn hàng (bao gồm thuế) có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hoặc hủy đơn hàng của khách hàng, từ đó gây thiệt hại cho các sàn thương mại điện tử. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng áp dụng giới hạn theo năm.
Ngoài ra, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hóa thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hóa.