VCCI đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức sáng 31-12, đã thông qua quyết định đổi tên 'Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam' thành 'Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam'.
Qua nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến hội viên, các chuyên gia, cụm từ “Liên đoàn” được đề xuất thay thế cho từ “Phòng” trong tên tiếng Việt mới của VCCI xuất phát từ các lý do:
Từ góc độ pháp lý, Liên đoàn là một trong các thuật ngữ được sử dụng để gọi tên hội nêu tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, quản lý, hoạt động của hội.
Từ góc độ lịch sử, cụm từ “Liên đoàn” đã được sử dụng trong tên tiếng Việt của tổ chức đầu tiên của giới công thương sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 – “Công thương cứu quốc đoàn”.
Từ góc độ ngôn ngữ, Liên đoàn là tên gọi được dùng cho các tổ chức hội đại diện cho lợi ích của các hội viên.
Từ góc độ quốc tế, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng sử dụng cụm từ này (Federation) để đặt tên các tổ chức đại diện các doanh nghiệp, tương đương như Phòng Thương mại.
Cụm từ “Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” được giữ nguyên trong tên gọi tiếng Việt mới của VCCI nhằm bảo đảm sự tiếp nối liền mạch, không gián đoạn của VCCI trong tất cả các vấn đề.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, từ năm 2016 tới nay, một số văn bản, quy định mới của Nhà nước đã được ban hành, ảnh hưởng tới các chức năng, nhiệm vụ liên quan của VCCI. Đồng thời, quá trình triển khai Điều lệ 2016 cũng xuất hiện một số vướng mắc thực tiễn nhất định, đòi hỏi điều chỉnh cho phù hợp.
Về việc rà soát, sửa đổi Điều lệ VCCI, theo đồng chí Phạm Tấn Công, căn cứ quy định của Bộ Luật Lao động 2019, VCCI đề xuất phương án cập nhật, sửa đổi các quy định tại Điều lệ, như theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Điều lệ 2016 từ chức năng “xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp” sẽ đổi thành chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”...