VCCI góp ý chuẩn hóa quy định về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình
Thời gian qua, trên phạm vi cả nước xảy ra nhiều vụ việc cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người và tài sản. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy đối với hầu hết các công trình, dự án, nhà máy hay cơ sở sản xuất...
Trước thực tiễn đó, Bộ Xây dựng đang thiết kế dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; đồng thời, tiến hành tổng hợp ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị hữu quan để hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ.
Sau khi tham vấn doanh nghiệp và các chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo chưa phân định được nghĩa vụ giữa Nhà nước và chủ công trình về đầu tư hạ tầng cấp nước chữa cháy.
Theo đó, đang có tình trạng chính quyền địa phương không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đầu tư xây dựng hạ tầng cấp nước chữa cháy theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT/BXD-BCA hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp. Điều này gây khó khăn cho các chủ công trình trong việc tìm kiếm các nguồn nước chữa cháy. Nếu yêu cầu chủ công trình phải tự đáp ứng nguồn nước chữa cháy, kể cả trường hợp cho một số chủ công trình dùng chung thì vẫn gây tốn kém và thậm chí không khả thi.
Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 819/QĐ-TTg ngày 07/07/2023 đã xác định toàn bộ hệ thống cấp nước đô thị, khu công nghiệp và các địa bàn trọng điểm thuộc phạm vi lập quy hoạch phải có các đường ống, họng, trụ lấy nước chữa cháy; xây dựng các bể nước phòng cháy, chữa cháy cho từng khu vực tại các khu dân cư có đường hẹp, không thể lắp đặt họng, trụ nước chữa cháy hoặc không có hệ thống cấp nước tập trung và nguồn nước tự nhiên.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này; đồng thời, có thể tham khảo một số giải pháp như phân loại các công trình theo diện là những công trình nằm trong khu công nghiệp, khu đô thị đã được chính quyền địa phương cung cấp hạ tầng nước chữa cháy hoặc là những công trình nằm trong khu công nghiệp, khu đô thị chưa được chính quyền địa phương cung cấp hạ tầng nước chữa cháy; phân hóa trách nhiệm cấp nước chữa cháy giữa hai loại công trình này nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định.
VCCI khuyến nghị, trong trường hợp các địa phương xây dựng mới hạ tầng cấp nước chữa cháy như đường ống, họng, trụ, bể nước chữa cháy thì nên dành cho họ một khoảng thời gian hợp lý để các công trình xung quanh buộc phải đáp ứng yêu cầu thuộc nhóm đã được cung cấp hạ tầng nước chữa cháy.
Song song đó, việc cho phép nhiều chủ công trình lân cận dùng chung nguồn nước chữa cháy như chung bể nước cũng là giải pháp kỹ thuật rất tốt để vừa bảo đảm an toàn mà không gây tốn kém chi phí. Tuy nhiên, giải pháp này chưa rõ ràng về thủ tục hành chính đi kèm. Một số vấn đề đặt ra trong dự thảo như trong hồ sơ thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy có cần văn bản đồng ý của chủ nguồn nước chữa cháy không, nhất là trường hợp bể đó do một chủ công trình khác đã đầu tư xây dựng và vận hành.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về mặt thủ tục và hồ sơ này để thuận tiện trong quá trình áp dụng.
Quy định về đường, bãi đỗ xe chữa cháy cũng tương tự như vấn đề dùng chung nguồn nước chữa cháy, đối với đường và bãi đỗ xe chữa cháy cũng cho phép sử dụng chung và tài sản này do một chủ công trình khác đầu tư. VCCI đặt vấn đề, khi đó, một chủ công trình gần đó liệu có được phép đưa thông tin về đường và bãi đỗ xe chữa cháy này vào hồ sơ thẩm duyệt và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy của mình hay không? Liệu có cần sự đồng ý của chủ sở hữu đường, bãi đỗ xe chữa cháy này hay không? Đối với trường hợp này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng được tự động dùng chung mà không cần sự đồng ý của chủ công trình trước đó.
Riêng về quy định chống cháy lan và khoảng cách an toàn, VCCI nhận định, thực tiễn đã nảy sinh tình trạng hai chủ đất liền kề, người xây trước đã xây sát mép đất, dẫn đến việc người xây sau buộc phải xây dựng lùi lại để bảo đảm khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, dự thảo cho phép áp dụng nhiều biện pháp chống cháy lan khác mà không nhất thiết phải giữ khoảng cách lưu không gây tốn kém và khó khả thi. Tương tự như vấn đề bể nước chữa cháy, nhiều trường hợp các đơn vị thực thi áp dụng quá cứng nhắc, không áp dụng các biện pháp ngăn cháy lan khác ngoài việc giữ khoảng cách an toàn. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc áp dụng các giải pháp chống cháy lan thay thế cho việc duy trì khoảng cách an toàn.