VCCI nỗ lực phối hợp đồng hành cùng DNNVV chuyển đổi số
Ngày 9/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Meta tổ chức diễn đàn 'Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số' tại Hà Nội.
Hiện Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% là DNNVV, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu người lao động.
Đồng thời, Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á đối với việc ứng dụng công cụ số của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Theo một báo cáo kinh tế Đông Nam Á gần đây, nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN (31%). Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng thuộc top đầu trong khu vực.
Tập đoàn Meta gần đây cũng đã công bố một báo cáo (hợp tác với BCG) cho biết 73% người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Đây là những xu hướng tích cực cho thấy sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc tham gia vào nền kinh tế số, cũng như sự năng động và nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, đặc biệt là sau mấy năm bị ảnh hưởng và tác động của đại dịch COVID-19. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số không diễn ra một sớm một chiều và có không ít những khó khăn trong quá trình triển khai đặc biệt là đối với các DNNVV.
Nhìn chung, các thách thức phổ biến mà DNNVV thường gặp trong quá trình chuyển đổi số vẫn là các vấn đề về: Nhận thức và sự cam kết của lãnh đạo đối với chuyển đổi số, lựa chọn công nghệ và sự sẵn có hệ sinh thái số cần thiết, con người và năng lực triển khai của tổ chức, cùng với những thách thức về nguồn lực.
Để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả. Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãnh đạo VCCI cho hay, trong những năm vừa qua, VCCI đã phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn doanh nghiệp của Việt Nam và đã thực sự đóng góp vào việc thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng ứng dụng các công cụ số một cách hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn này là một hoạt động quan trọng và ý nghĩa để ghi nhận nỗ lực đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương, VCCI và Tập đoàn Meta trong việc thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp và để tiếp tục hành trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, phối hợp với các đối tác như VCCI và tập đoàn công nghệ như Meta triển khai các chương trình, dự án này.
Ông Ruici Tio, Quản lý chương trình chính sách, Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết một số kết quả hợp tác với VCCI tại Việt Nam. Cụ thể, Meta cam kết hỗ trợ các DNNVV nhằm giúp đưa hiện diện của doanh nghiệp lên nền tảng trực tuyến và hưởng lợi từ việc tham gia vào nền kinh tế số.
"Chúng tôi tự hào về mối quan hệ đối tác lâu dài với VCCI, qua đó hỗ trợ hơn 32.000 DNNVV trên toàn quốc. Việc ra mắt cuốn sổ tay điện tử giới thiệu các doanh nghiệp trên nền tảng số là một dẫn chứng thể hiện sức mạnh của công cụ số trong việc hỗ trợ các DNNVV bán hàng xuyên biên giới, cũng như cơ hội được khám phá bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chương trình hỗ trợ này phản ánh cam kết lớn hơn của Tập đoàn Meta trong việc hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới nhằm đóng góp vào các mục tiêu của chính phủ Việt Nam", ông Ruici Tio nói.
Các hoạt động bên lề của diễn đàn cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự, gồm có: Khu trải nghiệm cuốn sổ tay điện tử giới thiệu 100 doanh nghiệp ngành hàng trà, cà phê, nông thủy sản (eBook) bằng thiết bị điện tử hiện đại, hình ảnh trực quan in khổ lớn; khu tư vấn về trang facebook doanh nghiệp của giảng viên do Meta đào tạo; khu vực trưng bày sản phẩm của một số doanh nghiệp được giới thiệu trong cuốn eBook; trải nghiệm số và hướng dẫn doanh nghiệp sáng tạo thực tế tăng cường (AR) bằng Spark Studio.
Theo VCCI, đây là năm thứ 6, Trung tâm hỗ trợ DNNVV – VCCI hợp tác với Tập đoàn Meta (Trước đây là Facebook) triển khai Chương trình Meta Boost tại Việt Nam.
Cho đến nay, Chương trình đã hỗ trợ hơn 32.000 DNNVV trên khắp cả nước thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại diễn đàn, cuốn sổ tay điện tử giới thiệu 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng số được giới thiệu và ra mắt với mục đích cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng khi mua sắm và cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác và khách hàng.
Cuốn sổ tay điện tử này cũng nhằm mục đích khuyến khích các DNNVV chuyển đổi kỹ thuật số và sử dụng các nền tảng trực tuyến để truyền thông, đồng thời là lát cắt tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách thấy được sự chuyển mình tích cực trong các DNNVV trên toàn quốc bằng cách sử dụng các nền tảng số để tiếp cận khách hàng xuyên biên giới. VCCI dự kiến quảng bá cuốn sổ tay điện tử tới các đối tác trong và ngoài nước thông qua mạng lưới VCCI với mục tiêu tiếp cận 500.000 người.