VCCI tổ chức Diễn đàn 'Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh'

Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã tổ chức Diễn đàn ''Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh'' vào chiều ngày 14/5.

Thành công nhờ thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn "Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh". Theo lãnh đạo VCCI, Diễn đàn hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), đồng thời đẩy mạnh Cuộc vận động Học tập và làm theo đạo đức, phong cách, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của 200 đại biểu là doanh nhân đại diện cho các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng thương mại cổ phần… Trong đó, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ câu chuyện thành công của mình, nhờ thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động kinh doanh, trong đó, Công ty TNHH Nấm Linh Chi là một ví dụ điển hình.

VCCI tổ chức Diễn đàn tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh

VCCI tổ chức Diễn đàn tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi, văn hóa kinh doanh hôm nay theo tư tưởng của Bác Hồ là chú trọng xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa và đạo đức của người lãnh đạo. Trong một doanh nghiệp, lãnh đạo mà có đạo đức thì mới là tấm gương và lãnh đạo được doanh nghiệp phát triển.

"Là một doanh nhân, tôi ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa tại doanh nghiệp của mình. Công ty TNHH Nấm Linh Chi ra đời ngày 18/5/2001. Hơn hai thập kỷ qua, chúng tôi đã vượt qua bao gian nan, vất vả, nhưng thành quả thu được cũng không nhỏ. Chúng tôi đã tích lũy, xây dựng cho mình một truyền thống văn hóa doanh nghiệp có lịch sử riêng. Từ một vài sản phẩm, đến nay chúng tôi có gần 30 sản phẩm khác nhau được phân phối trên thị trường, tạo nên ngành sản xuất nấm có giá trị cho Việt Nam.

Học tập phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, tập thể cán bộ, người lao động trong toàn Công ty Nấm Linh Chi luôn đoàn kết như một gia đình, tương thân tương ái, cùng nhau xây dựng môi trường làm việc khoa học và văn hóa. Chúng tôi cũng chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và kinh doanh để nâng cao hiệu quả công việc. Bản thân tôi luôn nỗ lực cố gắng và có nhiều công trình khoa học được giải thưởng như: Giải thưởng khoa học công nghiệp thực phẩm toàn cầu lần thứ 21 tổ chức tại Singapore.” – bà Nguyễn Thị Chính chia sẻ.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cũng chia sẻ câu chuyện thành công của mình nhờ áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, TS. Nguyễn Thành Nam cho biết: "Đầu năm 2002, khi đó tôi đang phụ trách FPTSoftware, sang Mỹ tìm khách hàng thất bại. Cô đơn, bất lực, tôi lang thang hiệu sách và mua 1 cuốn sách. Đó là cuốn “Hồ Chí Minh - Một cuộc đời” của nhà sử học Mỹ William Duiker. Tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách hơn 600 trang đó và dịch nó ra tiếng Việt. Tôi đã học được rất nhiều bài học từ cuốn sách đó. Và dù chỉ mới luyện được 1/1000 thành công lực mà cũng có thể có được một số thành tựu đáng kể".

Cũng theo TS. Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc được Việt Nam là một nước yếu. Muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” phải triệt để tận dụng THẾ trong sự vận động không ngừng của thế giới.

“Tại FPTSoftware, mỗi khi phải đối mặt với các đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần, chúng tôi đều phải kiên trì lợi dụng từng ưu thế nhỏ, đặc biệt là ưu thế của Việt Nam, một đất nước kiên cường nhưng thanh bình. Thông qua những người bạn bản xứ có cảm tình với Việt Nam để từng bước thay đổi vị thế. Bằng cách đó, chúng tôi đã thuyết phục được các đại gia như Motorola, Sony, GE, Airbus…” - Hiệu trưởng Đại học FPT khẳng định.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh - cơ hội để doanh nghiệp hội nhập

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ 3 vấn đề, bao gồm: Một là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; và vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đối với hình tượng doanh nhân.

Hai là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng giới Công thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào những tư tưởng, quan điểm về xây dựng đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh Việt Nam; và vai trò của vấn đề đạo đức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, cách thức vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp

Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, về văn hóa và kinh tế. Người từng nói “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

“Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật…” – ông Phạm Tấn Công cho biết thêm.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa doanh nhân, gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.

Theo lãnh đạo VCCI, Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó dành hẳn một nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Tại Diễn đàn, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với xã hội, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội.

"Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế; đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu" - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vcci-to-chuc-dien-dan-tu-tuong-ho-chi-minh-voi-van-hoa-kinh-doanh-320039.html