VCPMC kiến nghị không cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả
Theo quy định hiện hành, hồ sơ xin cấp phép biểu diễn ca khúc, gửi các cơ quan quản lý văn hóa không cần phải có văn bản ghi nhận sự đồng ý từ tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Liên quan đến quy định này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có kiến nghị ngược lại.
Chiều ngày 15-7, theo thông tin từ bộ phận pháp chế của VCPMC, hiện nay theo yêu cầu của các tác giả trong nước và quốc tế, buộc VCPMC ủy quyền toàn bộ các tác giả cho văn phòng luật sư để văn phòng luật sư làm văn bản gửi các cơ quan quản lý Nhà nước bao gồm: Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL), 63 Sở VHTT cả nước kiến nghị về việc không được tùy tiện cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Phía VCPMC nhấn mạnh tác phẩm là tài sản riêng của tác giả, vì thế việc cấp phép cần phải có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, tránh tùy tiện, nhất là đối với các ca khúc đã bán độc quyền, người khác không thể tự ý sử dụng.
Cũng theo VCPMC, có hiện tượng một số tác giả khi ký giấy tờ để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn đã cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý Nhà nước.
Không chỉ vậy, nhiều tác giả bán độc quyền ca khúc mà mình sáng tác cho ca sĩ, hoặc một số đơn vị mua độc quyền (cả nhạc trong nước và quốc tế) có thời hạn, trong thời gian đó các ca sĩ hoặc đơn vị, tổ chức khác không được phép sử dụng. Các tác giả này sau đó thông báo cho VCPMC bằng văn bản về việc nếu ca khúc này được cấp phép biểu diễn thì họ sẽ bị kiện. Vì thế, việc cơ quan quản lý văn hóa cấp phép ca khúc mà không có văn bản thỏa thuận từ tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, thì rất dễ dẫn đến hệ lụy không mong muốn, đơn vị cấp phép sẽ liên đới trách nhiệm trước tòa. Bên cạnh đó, việc này có thể vô hình chung góp phần hợp thức hóa cho các đơn vị tổ chức biểu diễn không thực thi nghiêm túc nghĩa vụ bản quyền.
Trong khi đó, nghĩa vụ thực hiện quyền tác giả đã được pháp luật quy định rõ ràng, đầy đủ căn cứ theo khoản 2, điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ: “Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này”, Khoản 3 Điều 20 quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.
Theo thống kê của VCPMC, trong thời gian vừa qua, số lượng chương trình biểu diễn có hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới con số hàng trăm chương trình (chỉ tính riêng các chương trình quy mô lớn mà VCPMC phát hiện được). Trong đó, nhiều đơn vị tổ chức các “show” lớn, xong thì xóa tên công ty và thành lập công ty mới. VCPMC đánh giá hành vi xâm phạm quyền tác giả là cố ý bởi lẽ mặc dù Trung tâm đã nỗ lực gửi cảnh báo, đề nghị đến các đơn vị tổ chức biểu diễn song hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh thực hiện quy định về quyền tác giả, dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tác giả bị xâm phạm và không được tôn trọng, khiến nhiều tác giả bức xúc.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên thực tế thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn theo VCPMC là bởi tình trạng các vụ vi phạm xảy ra tràn lan, thách thức và hết sức tinh vi khiến cho việc xử lý, “hậu kiểm” chưa thể đáp ứng kịp thời và giải quyết dứt điểm. Bên cạnh các vụ việc được giải quyết bằng biện pháp dân sự thì việc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền cũng không đạt hiệu quả, thời gian kéo dài, chi phí tốn kém. Cụ thể, theo con số VCPMC cung cấp thì trong số 8 vụ việc khởi kiện ra tòa án trong thời gian qua (tính riêng lĩnh vực biểu diễn), đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử, chưa kể một số vụ cũng chưa được tòa án thụ lý theo thủ tục.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù có áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, thì với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, các biện pháp xử lý vi phạm đều rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc; trường hợp vụ việc nếu được giải quyết xong và bên vi phạm đã bồi thường thiệt hại thì quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, hậu quả đã xảy ra và những tổn thương tinh thần của tác giả khó có thể bù đắp.” – phía VCPMC bày tỏ.
Trên cơ sở những tồn tại này, VCPMC đề xuất Chính phủ, Bộ VHTT&DL xem xét lại sự bất cập, hệ lụy và những thiệt hại đối với tác giả, người sáng tạo từ việc hủy bỏ quy định về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP (quy định hồ sơ xin cấp phép phải có văn bản thỏa thuận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả - PV). Ngược lại, VCPMC cho rằng, cần thiết phải có quy định rõ, cụ thể về thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và giấy phép phê duyệt nội dung sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn tại Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn dưới các định dạng khác nhau.