VDB tài trợ khoảng 50.000 tỷ đồng cho các dự án EVN
Trong giai đoạn năm 2024 – 2030, tổng số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dự kiến tài trợ cho các dự án của EVN (thuộc danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050) khoảng 50.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa ký Thỏa thuận hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo Thỏa thuận hợp tác, EVN và VDB tiếp tục xác định là đối tác toàn diện của nhau và mong muốn hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với năng lực, chiến lược kinh doanh và thế mạnh của các bên. Các bên cam kết duy trì hợp tác toàn diện, lâu dài, có hiệu quả và cùng có lợi trên các lĩnh vực hoạt động có liên quan hướng tới mục tiêu của EVN và VDB.
EVN và VDB cùng xúc tiến các hoạt động để hỗ trợ nhau mở rộng phát triển hoạt động của mỗi bên nhằm khai thác tối ưu nhất thế mạnh của các bên.
EVN và VDB hợp tác trong việc tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư do EVN làm chủ đầu tư thuộc Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Trong giai đoạn năm 2024 – 2030, tổng số vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước mà VDB dự kiến tài trợ cho các dự án của EVN (thuộc danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050) là khoảng 50.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, EVN là Tập đoàn kinh tế của Nhà nước, được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân cả nước, EVN đang tập trung đầu tư hàng chục ngàn MW nhà máy điện, hàng trăm ngàn km đường dây tải điện và các trạm biến áp, với kinh phí hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, ngoài sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn 2025 - 2030, EVN phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện với tổng giá trị đầu tư hàng năm lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Với nhu cầu đầu tư lớn như vậy, ngoài các nguồn lực của mình như vốn khấu hao cơ bản, vốn đầu tư phát triển, vốn thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp, Tập đoàn phải huy động các nguồn vốn từ bên ngoài theo nhiều hình thức: vay của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, vay từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước,…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hợp tác này sẽ phần nào giúp EVN tìm kiếm được nguồn vốn mới để tài trợ cho các dự án đầu tư xây dựng trong các năm tiếp theo, trong bối cảnh phần lớn các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay đều đã vượt giới hạn cấp tín dụng đối với EVN/EVN và người có liên quan, đồng thời việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn do các quy định pháp lý hiện hành.
Ông Đào Quang Trường- Tổng giám đốc VDB cho biết, VDB đánh giá rất cao EVN trong quá trình hợp tác. Đến nay, các nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước mà VDB cung cấp cho EVN để đầu tư các dự án diện đều phát huy hiệu quả, không phát sinh nợ xấu. Các dự án đã đưa vào hoạt động và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VDB cam kết chuẩn bị nguồn vốn dài hạn đáp ứng đủ nguồn lực cho các dự án của EVN trong phạm vi hợp tác tín dụng; sẽ phối hợp tốt nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, giải ngân,… trên tinh thần hỗ trợ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên...
Một số công trình nguồn, lưới điện của EVN từng được VDB tài trợ vốn trước đây: Thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Pleikrông, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, nhiệt điện: Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, lưới điện: Đường dây 500kV Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm,...