VĐV đặc biệt: Tôi chạy để tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trên đồi Charlie
Ông Nguyễn Văn Phúc, 71 tuổi, cựu chiến binh Đoàn 559, Trung đoàn 671 cho biết mình tham gia Giải chạy Vì ATGT 2023 vì muốn tưởng nhớ đồng đội.
Ông Nguyễn Văn Phúc, cựu chiến binh từng lăn lộn dọc đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước có lẽ là VĐV đặc biệt nhất Giải THACO Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023.
Năm nay đã 71 tuổi, ông là VĐV lớn tuổi nhất tranh tài tại Giải.
Runner cao tuổi nhất
Những ngày đầu tháng 2/2023, chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Kon Tum tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum khi biết ông sẽ tham gia Giải THACO Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023.
Dáng người nhỏ thó nhưng rắn chắc, bên chiếc giá nhỏ treo cơ man là medal các giải chạy, ông Phúc cho hay, khoảng 5 năm trước ông bắt đầu chạy bộ với mục đích rèn luyện sức khỏe. Ban đầu ông chỉ chạy vài km rồi nâng dần lên và từ năm 2020, ông bắt đầu tham các giải đấu trong và ngoài tỉnh.
Sân chơi chính thức đầu tiên ông Phúc góp mặt là Giải Marathon tại Quy Nhơn, Bình Định năm 2020, nơi ông hoàn thành cự ly 21km, khiến nhiều bạn trẻ phải nể phục. Thành tích bước đầu giúp ông có thêm động lực tiếp tục rèn luyện. Từ đó, mỗi ngày ông đều chạy đều đặn 15 - 20km.
“Cứ 3h sáng là tôi dậy chạy, bất kể là trời nắng hay mưa, ngày nào không chạy là cứ như người bị bỏ đói, bứt dứt lắm. Trước mỗi giải đấu tôi có thể tăng cường độ, khối lượng tập luyện, có khi dậy dừ 1h sáng. Nhiều người thấy thế bảo tôi dở hơi, già rồi không lo ở nhà giữ sức khỏe nhưng họ đâu biết nếu ở nhà tôi cảm thấy mệt hơn”, ông Phúc cười nói.
Năm 2021, tỉnh Gia Lai đăng cai Giải cự ly dài và việt dã Báo Tiền phong (Tiền phong Marathon), ông Phúc mạnh dạn đăng ký chạy cự ly 42km.
Đây là lần đầu tiên ông thử sức mình ở nội dung cực khó, đòi hỏi sức bền cao nhưng bằng sự dẻo dai, ý chí quyết tâm, ông đã hoàn thành xuất sắc.
Ông đồng thời lập kỷ lục trở thành người lớn tuổi nhất (69 tuổi) hoàn thành cự ly 42km tại Giải Tiền phong Marathon.
Ông Phúc cho biết thêm, ngoài Tiền phong Marathon 2021, ông đã tham dự hàng chục giải lớn nhỏ. Đặc biệt, tại Giải Marathon quốc tế Bình Dương 2022, ông tiếp tục phá kỷ lục trở thành người chạy marathon lớn tuổi nhất chinh phục cự ly 42km, ở tuổi 70.
Ý chí bền bỉ người lính Cụ Hồ
Hỏi về bí quyết để có sức khỏe dẻo dai, ông Phúc chia sẻ: “Tôi nhớ mình đã có những buổi tập rất vất vả kể cả trong nắng nóng, trong mưa rào. Nhiều lúc người mệt, vắt không còn giọt sức nhưng ý chí bền bỉ của một người lính cụ Hồ đã giúp tôi luyện nghiêm khắc, có kỷ luật”.
Đến đây, những ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước lại ùa về trong câu chuyện của người cựu chiến binh ngoài thất thập.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, năm 1972 ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại Đoàn 559, Trung đoàn 671, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần. Đơn vị của ông có nhiệm vụ lắp ráp đường ống xăng dầu dọc đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Bồi hồi nhớ lại năm tháng trực tiếp tham gia kháng chiến, ông Phúc bộc bạch: “Đơn vị tôi phụ trách tuyến đường từ Quảng Bình vào tận Sông Bé. Ngày đó tôi nặng có 40kg, mỗi đoạn ống dài nặng tới 45kg mà tôi vác ngon ơ trên vai, đi bộ từ 15 - 20km mỗi ngày, băng rừng lội suối.
Mỗi lần dừng bên suối uống nước phải gác ống lên cành cây chứ đặt xuống đất không được. Nơi rừng thiêng nước độc, tôi và đồng đội ốm, sốt rét là bình thường nhưng chỉ nghỉ 1-2 ngày, đỡ một chút lại lao vào làm nhiệm vụ bởi ai cũng ý thức được xăng dầu rất quan trọng cho các lực lượng nơi tiền tuyến”.
Nhấp chén nước chè, ông Phúc kể tiếp: “Thực sự là giờ nghĩ lại không thể hiểu tại sao mình vượt qua được vô vàn khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Thời kỳ đó Mỹ ném bom ác liệt dọc đường Trường Sơn, nhiều anh em đồng đội hy sinh, người thì bỏng toàn thân do đường ống trúng bom bốc cháy. Nhưng chúng tôi thề rằng người có thể mất nhưng xăng dầu phải thông”.
Hòa bình lập lại, đơn vị của ông Phúc nhận nhiệm vụ hỗ trợ lắp đường ống vận chuyển xăng dầu cho nước bạn Lào.
Năm 1980, từ yêu cầu của cấp trên, đơn vị ông giải tán, đồng đội ông đa phần tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu cùng nhiều chứng bệnh trong người về tim, gan, đại tràng, khớp gối… ông đã xin phục viên và vào công tác ở ngành thuế tỉnh Kon Tum.
Chạy để tri ân đồng đội
Năm 2007, sau 27 năm công tác trong ngành thuế, ông Phúc nghỉ hưu theo chế độ nhưng di chứng của quãng thời gian “ăn rừng ngủ núi” vẫn đeo bám ông. Ông bảo gần như ngày nào ông cũng phải uống đủ loại thuốc khác nhau.
Nhưng kể từ khi tới với chạy bộ, ông cảm nhận trong cơ thể mình có một nguồn sức mạnh mới mẻ, bệnh tình được cải thiện rõ rệt. Bạn bè tiếp xúc với ông đều nhận xét ông trở nên trẻ trung, hoạt bát hơn.
Gia đình, vợ con khuyên ông chạy vừa phải bởi sợ sức khỏe không cho phép nhưng với bản lĩnh của một người lính từng xẻ dọc Trường Sơn, ông quyết tâm vượt qua giới hạn của bản thân.
“Trong từng đoạn đường chạy, tôi tâm niệm những ngày chiến đấu bên cạnh đồng đội gian khổ, khó khăn hơn nhiều mình còn không chùn bước nữa là thử thách nhỏ này. Mỗi đường chạy đều là niềm tự hào vì tôi chiến thắng được tuổi tác, giữ vững tinh thần của người lính cụ Hồ đồng thời truyền nghị lực cho thế hệ trẻ”, ông Phúc bày tỏ.
Cũng theo lời ông Phúc, hiện nay, ông mong muốn vận động, tập hợp những người đam mê chạy bộ thành lập Hội chạy bộ tỉnh Kon Tum để cùng nhau rèn luyện sức khỏe, thúc đẩy phong trào chạy bộ trong mọi lứa tuổi trên địa bàn tỉnh.
Trở lại với Giải THACO Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023, người cựu binh sinh năm 1952 cho hay, ông chạy vì muốn tri ân các đồng đội đã chiến đấu và ngã xuống ở Sa Thầy trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972.
“Năm xưa, bộ đội ta với ba lô trên vai cùng vũ khí và nhiều trang bị khác vẫn hăng hái xung phong đánh chiếm Điểm cao đồi Delta, đồi Charlie… Ngày nay, VĐV sẽ tái hiện lại cung đường hành quân năm xưa để cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà thế hệ đi trước phải trải qua, nhiều người trong số đó đã vĩnh vĩnh nằm xuống.
Đôi chân này sau hơn 50 năm vẫn có thể tự vượt dốc để lên thắp cho đồng đội, đồng chí nén hương, đó cũng là cách giáo dục truyền thống hiệu quả với thế hệ con cháu.
Nhìn thấy vậy, các bạn trẻ chắc chắn sẽ có ý thức hơn, nỗ lực hơn trong công tác đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để đổi lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc”, ông Phúc bùi ngùi.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho hay, việc Giải THACO Marathon Vì An toàn giao thông 2023 gắn với thông điệp “An toàn giao thông - Hạnh phúc cho mọi nhà” càng thôi thúc ông phải chinh phục đường chạy Sa Thầy.
“Hàng năm tai nạn giao thông vẫn cướp đi sinh mạng biết bao người. Mà đa phần tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức người điều khiển phương tiện.
Tôi mong rằng giải chạy Vì An toàn giao thông sẽ lan tỏa rộng khắp, trở thành một kênh tuyên truyền hiệu quả tới đông đảo người dân, để văn hóa tham gia giao thông an toàn phải là kim chỉ nam cho mọi người dân khi ra đường.
Bản thân tôi sẽ vận động thêm người thân, bạn bè tham gia để thông điệp của giải càng được nhân lên”, vị Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Kon Tum bộc bạch.
Giải THACO Marathon Vì An toàn giao thông - Sa Thầy 2023 do Ủy ban ATGT Quốc gia, Báo Giao thông và UBND huyện Sa Thầy phối hợp tổ chức, Công ty CP Ô tô Trường Hải tài trợ chính. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Năm An toàn giao thông quốc gia 2023, đồng thời chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913-9/2/2023).
Giải diễn ra vào ngày 12/2, quy tụ khoảng 1.000 VĐV tranh tài ở 4 cự ly gồm: 5km, 10km, 21km, 42km.