VĐV gây tranh cãi lại được LHQ chọn là người truyền cảm hứng cho trẻ em gái

Đại diện UNICEF tại Algeria, Katarina Johannsen khẳng định: 'Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi Imane (Khelif) nhận lời làm đại sứ cho chúng tôi. Cô ấy là hình mẫu tuyệt vời cho những người trẻ tuổi tham gia vào thể thao ở Algeria.

Khelif sau khi giành chiến thắng tại Olympic

Khelif sau khi giành chiến thắng tại Olympic

Sự kiện nữ VĐV quyền Anh người Algeria, Imane Khelif vừa đánh bại đối thủ Angela Carini (Italy) tại Olympic vẫn đang khiến thế giới tranh cãi vì Khelif trông có vẻ nam tính. Nhưng với Liên Hợp Quốc, việc phân biệt đối xử phụ nữ chỉ vì vẻ bề ngoài cũng là điều cần đấu tranh.

Ngay trước Thế vận hội, tổ chức UNICEF chuyên đấu tranh cho quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái đã có bài viết: “Một nữ võ sĩ quyền Anh hàng đầu, Imane Khelif, mơ về huy chương vàng để truyền cảm hứng cho giới trẻ”.

Khi Khelif được hỏi về thành tích nào mà bản thân tự hào nhất, cô trả lời: "Đó là khả năng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống của tôi".

Khelif nhớ lại cách cô đã thành công trong môn bóng đá ở làng quê Tiaret khi mới 16 tuổi mặc dù bóng đá không được coi là môn thể thao phù hợp với con gái. Tài năng của Khelif khiến lũ con trai trong làng thua kém và tìm gây gổ với cô. Trớ trêu thay, chính sau những trận ẩu đả với lũ con trai đã đưa cô đến với môn quyền Anh.

Tuy nhiên, việc tập luyện quyền Anh lại là một trở ngại lớn hơn đối với Khelif so với đá bóng. Khelif mỗi tuần phải đi tới trung tâm tập luyện, cách đó 10 km, nhưng lại không có tiền mua vé xe. Khelif không thể hỏi xin vì một phần là gia đình nghèo, một phần vì người cha không chấp nhận việc con gái tập quyền Anh. Để kiếm tiền trang trải việc đi lại, Khelif đã phải đi nhặt phế liệu rồi bán bánh mì. Rất may, mẹ của Khelif luôn ủng hộ con gái. Hai mẹ con cùng nhau kiếm tiền một cách cực khổ để giúp Khelif lên thành phố tập quyền Anh.

Ba năm sau, sau những giọt mồ hôi trên cả võ đài, trên xe buýt và trên con đường nhặt phế liệu, bán bánh mì, Khelif giành được khá nhiều thành tựu với đôi găng sờn rách. Nhưng thành tựu lớn nhất với cô là: "Cả cha và mẹ giờ đều đến ủng hộ tôi. Họ là những người hâm mộ lớn nhất của tôi".

Khelif nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao, đặc biệt là ở những nơi mà cơ hội cho trẻ em gái tham gia thể thao có thể bị hạn chế. Điều này có liên quan đến sức khỏe của các em. Algeria có tỷ lệ béo phì là 22% và nằm trong số 20 quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Khoảng 12,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và dự báo đến năm 2030, 46% người Algeria sẽ bị béo phì nếu không có biện pháp can thiệp nào được đưa ra để đảo ngược xu hướng này.

Do vậy, Khelif cảnh báo: "Nhiều phụ huynh không biết về những lợi ích của thể thao và cách nó có thể cải thiện không chỉ thể lực mà còn cả sức khỏe tinh thần của con em họ".

Khelif là đại sứ của UNICEF

Khelif là đại sứ của UNICEF

Tuy nhiên, Khelif không chỉ muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của bản thân mà còn cho những người Algeria khác. Với vai trò là đại sứ quốc gia của UNICEF, chính thức đảm nhận vào tháng 1 năm nay, Khelif có cơ hội để làm điều đó. Khi bổ nhiệm Imane làm đại sứ, đại diện UNICEF tại Algeria, Katarina Johannsen, đã nói rằng: "Chúng tôi cảm thấy vinh dự khi Imane (Khelif) nhận lời làm đại sứ cho chúng tôi. Cô ấy là hình mẫu tuyệt vời cho những người trẻ tuổi tham gia vào thể thao ở Algeria và giờ đây cô ấy có thể mở rộng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy chương trình nghị sự về quyền trẻ em".

Về phần mình, Khelif cho biết: "Tôi vô cùng vinh dự khi được trở thành đại sứ của UNICEF. Thông điệp của tôi gửi đến những người trẻ tuổi là hãy theo đuổi ước mơ của mình. Đừng để những trở ngại cản đường bạn, hãy chống lại mọi trở ngại và vượt qua chúng. Ước mơ của tôi là giành huy chương vàng. Nếu tôi chiến thắng, các bậc cha mẹ có thể thấy con mình có thể tiến xa đến đâu. Tôi đặc biệt muốn truyền cảm hứng cho các bé gái và trẻ em thiệt thòi ở Algeria”.

Và giờ đây, Khelif đang trên đường thực hiện ước mơ tại Olympic khi đã lọt vào vòng bán kết. Kể từ 2018, khi ra mắt quyền Anh nữ, Khelif chưa từng đạt huy chương vàng ở giải thế giới với nhiều trận thua sấp mặt trước các đàn chị. Nhưng mỗi lần vấp ngã sẽ là một lần tích lũy kinh nghiệm để thành công hơn. Nếu có thể giành được tấm huy chương thì đó sẽ là quả ngọt cho Khelif và những người ủng hộ võ sĩ này.

Chính phủ và Ủy ban Olympic Italy (CONI) bày tỏ lo ngại khi nữ võ sĩ của họ là Angela Carini phải đối đầu Imane Khelif - người từng trượt kiểm tra giới tính ở giải thế giới.

CONI cho biết họ đã "liên hệ với IOC để đảm bảo quyền lợi của tất cả VĐV phù hợp với Hiến chương Olympic và các quy định về sức khỏe".

Bộ trưởng Gia đình và Bình Đẳng Cơ hội Italy, Eugenia Roccella, thẳng thắn chỉ trích: "Thật đáng quan ngại khi hai người chuyển giới, tức những người đàn ông dưới nhận dạng phụ nữ, được phép thi đấu quyền Anh nữ tại Olympic Paris dù bị loại khỏi các giải gần đây. Thật kỳ lạ khi không có tiêu chí chắc chắn, nghiêm ngặt và thống nhất ở cấp độ quốc tế về việc này. Mọi người có quyền nghi ngờ tính công bằng và mức độ nguy hiểm cho các võ sĩ thi đấu với hai người này".

Tuy nhiên, IOC đã ra tuyên bố chung khẳng định "Mọi người đều có quyền tập luyện thể thao mà không bị phân biệt đối xử".

IOC nhấn mạnh rằng những VĐV này đã thi đấu ở hạng mục nữ từ rất lâu, bao gồm cả Thế vận hội Tokyo 2020. Do đó, tư cách dự Olympic Paris của những VĐV như Khelif không phải là vấn đề để đưa ra tranh luận.

Để làm rõ hơn lập trường của mình, IOC tái khẳng định cam kết bảo vệ quyền con người của tất cả VĐV tham gia, theo quy định của Hiến chương và Bộ quy tắc đạo đức Olympic.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vdv-gay-tranh-cai-lai-duoc-lhq-chon-la-nguoi-truyen-cam-hung-cho-tre-em-gai-222272.html