Về Ba Lai câu cá ngát
'Tháng bảy nước nhảy lên bờ/ Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn'. Thế nhưng, khi chúng tôi có mặt ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho một ngày câu cá ngát vào cuối tháng 8, nước lũ vẫn chưa về…
Ba Lai mùa nước cạn
Nước lũ chưa về, lưu lượng nước thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít đồng nghĩa những nông dân sống bằng nghề đóng đáy, câu lưới, đặt đú… có nguy cơ mất kế sinh nhai. Với người dân miền Tây, mùa nước lũ là mùa kiếm cơm nhưng giờ, theo dự báo của các cơ quan chức năng, đừng nói gì đến việc mưu sinh mùa lũ của một bộ phận nông dân mà tác động của con người, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Biết vậy nhưng về Bình Đại mà không đi câu cá ngát khác gì đến Bến Tre mà không thưởng thức nước dừa; chúng tôi vẫn quyết định tìm đến nhà lão nông Lê Văn Tui như đã hẹn trước. Thật ra, người dẫn đường đưa chúng tôi bước vào cuộc trải nghiệm này là anh Lê Hoàng Vũ, con rể ông Tui. Như Vũ nói thì anh có thể giỏi bắt ba khía, nuôi tôm nhưng câu cá ngát thì phải là bố vợ anh.
Vậy là Vũ dẫn chúng tôi rong ruổi một quãng đường dài từ tỉnh lộ 883 xuyên qua những vườn dừa mênh mông, những ao tôm đang kỳ cho thu hoạch. Mới đầu giờ sáng thôi nhưng nắng đã lên cao quá đỉnh đầu, khiến thời tiết thêm oi bức sau cơn mưa kéo dài từ chiều hôm trước. Khung cảnh chung quanh thật yên ả, thanh bình và nếu không có tiếng động cơ xe máy đi trước của Vũ, có lẽ chúng tôi đã lạc nhau trước những ngã rẽ rợp bóng dừa, qua những cây cầu bê-tông ngắn nhưng rất dốc mà tất cả đều hiểu rằng, người ta xây cầu cao như vậy là để phòng khi nước lên, lũ về.
Cứ lên lên xuống xuống không biết bao nhiêu cây cầu chỉ rộng khoảng 1m đó, cho đến một khúc rẽ gấp đưa chúng tôi dừng bên con rạch nhỏ ở ấp 4, xã Thạnh Trị. Nhà ông Tui nằm sát con rạch này, rất tiện khi đi câu hằng ngày. Bình thường vào giờ đó, ông đã đi thu câu từ sáng sớm. Nếu không vì cuộc hẹn trước với Vũ, ông sẽ không ngồi chờ chúng tôi khi nắng đã lên cao như vậy.
Cũng vì thế mà chỉ dăm câu chào hỏi, uống chén nước chè, chúng tôi lên đường ngay. Đúng hơn, ông Tui đã xuống thuyền của mình, còn chúng tôi phải đi bộ một đoạn đến cây cầu tre vắt qua con rạch. Ở đó, Vũ lấy chiếc xuồng mượn của một người hàng xóm để đón ba người chúng tôi, trước khi một thuyền của ông Tui, một xuồng của chúng tôi chèo ra kênh số 1 chảy ra sông Ba Lai.
Sông Ba Lai nằm trọn vẹn trong địa phận tỉnh Bến Tre, có chiều dài 55 km, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với các huyện Giồng Trôm và Ba Tri, chảy từ ranh giới các xã Tân Phú và Phú Đức, huyện Châu Thành ra đến biển, cửa Ba Lai. Năm 2002, người ta xây cống đập Ba Lai chắn ngang dòng sông và kể từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây bắt đầu thay đổi. Đã có thời, nhiều nông dân muốn phá hết vườn tược, đào ao nuôi tôm, trước khi họ nhận ra rằng, việc nuôi thủy hải sản trong vùng ngọt hóa đã dẫn đến tình trạng thiếu ngọt. Và giờ thì không chỉ là vấn đề thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn mà Ba Lai đang trở nên kiệt nước hơn vì hiện tượng bồi lắng nhanh hay nước thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những người đi câu như ông Tui. Ông Tui cho biết, trước đây mỗi buổi câu, ông có thể mang về 7 đến 8 kg cá ngát hoặc hơn thế thì nay chỉ được khoảng 2 đến 3 kg. Nghe vậy nhưng chúng tôi vẫn hy vọng với kinh nghiệm của mình, ông sẽ giúp các vị khách hiểu rõ hơn cái nghề mưu sinh của người miền Tây.
Giăng câu, bắt cá
Cá ngát (tựa cá trê) thuộc loại cá da trơn, ăn tạp, thường sống ở đáy sông và trong vuông tôm... Chúng thường làm hang để ở, cách mặt nước sông vài mét. Mùa sinh sản của loại cá này từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. Theo nhiều tài liệu, cá ngát là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì rất giàu chất dinh dưỡng như can-xi, sắt, các loại vi-ta-min B1, B2, ô-mê-ga 3... Từ cá ngát có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như cháo cá ngát cốt dừa, cá ngát kho tộ, cá ngát xào lăn, canh chua cá ngát... Không khó hiểu để biết được tại sao nhiều ngư dân như ông Tui cố bám nghề để mưu sinh nếu như một ngày họ câu được 3 đến 5 kg cá ngát.
Hy vọng đó chắc hẳn có trong suy nghĩ của ông Tui sau gần 1 km chúng tôi chèo từ con rạch gần nhà ông ra kênh số 1. Đến chỗ giăng câu, ông bắt đầu thu lưỡi sau khi thả luồng câu và móc mồi từ chiều hôm trước. Vào thời điểm này trong năm, nước kênh đỏ ngầu phù sa nhưng để câu được nhiều cá ngát, ông Tui phải biết rõ nơi nào có cá trú ẩn.
Luồng câu của ông Tui chỉ dài hơn 800 m bủa tại cửa kênh số 1 dẫn ra sông Ba Lai. Ông Tui cho biết, giăng câu cá ngát không phải là chuyện đơn giản như giăng các loại cá khác, trong đó điều đầu tiên là phải chọn mồi nào để dụ được chúng.
“Cá ngát ăn tạp nhưng cũng kén mồi. Theo kinh nghiệm của tôi thì chúng thích mồi còng và tép”, ông Tui diễn giải. Còng ở đây là một trong số các loài cua biển sống nửa trên cạn, có kích thước nhỏ. Loài cua này có thể tìm thấy ở các bãi biển và các bãi bùn lầy thủy triều, khu rừng ngập mặn và đầm lầy. Tuy vậy thì việc tìm mồi cũng không hề đơn giản cho ông Tui nếu ông muốn bắt chừng 1 kg mồi cho luồng câu dài hơn 800 m kia. Với số mồi này thì cứ 2,5 m dây câu ông mắc một mồi và sẽ mắc trước thay vì thả luồng câu đến đâu, mắc mồi tới đó.
Đến chỗ thu lưỡi, chúng tôi chèo chậm lại để có thể quan sát ông Tui từ phía xa. Lúc này, người đàn ông 59 tuổi ngồi vắt vẻo ở đầu mũi thuyền, một chân co lên, một chân thả xuống. Hai tay ông thọc xuống và kéo lên sợi dây câu nằm dưới mặt nước. Kéo đến đâu, sợi dây hiện ra ở đó. Cứ thế, ông lần lần cho đến chỗ đoạn lưỡi câu mắc mồi. Thực ra, nếu cá ngát cắn câu thì chỉ cần kéo lên một đoạn dây là có thể thấy ngay ông có bắt được chúng hay không.
Vừa kéo dây lên vừa bỏ vào một chiếc can nhựa cưa ngang để đựng luồng câu, ông Tui khua chân để kéo con thuyền đi ngược dần. Giờ thì chúng tôi đã hiểu tư thế ngồi kỳ lạ của ông bởi cái chân thả xuống mặt nước chẳng khác gì một mái chèo rẽ nước. Cũng vì thế mà trong không gian rất tĩnh lặng đó, tiếng khua chân của ông Tui là thứ âm thanh duy nhất mà chúng tôi nghe được, trước lúc ông reo lên một tiếng khi thấy con mồi mắc câu. Đấy là con cá ngát đầu tiên mà ông bắt được trong buổi sáng này, dù trông nó không to.
Kéo sợi dây lên cao cho chúng tôi xem và chụp ảnh, ông Tui liền thả con cá xuống lòng thuyền, tay trái lấy một cái que như cái dùi chọc vào mồm nó để gỡ ra. Sở dĩ ông không lấy tay làm vậy bởi hai bên mang của cá ngát có hai ngạnh cứng và nhọn. Nọc của chúng rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh này. Nếu bị cá ngát đâm vào tay sẽ rất nhức, thậm chí mấy ngày liền không hết. Vì thế, cái dùi mà ông Tui sử dụng giúp ông an toàn hơn so với việc dùng tay gỡ cá như thông thường.
Sau con mồi đầu tiên tiếp tục là hình ảnh quen thuộc mà chúng tôi đã thấy lúc ông Tui bắt đầu thu lưỡi. Nếu có khác, đấy là thi thoảng ông không thể kéo luồng câu lên được do dây bị mắc kẹt dưới nước. Lúc này, ông Tui lấy dao cắt đứt sợi dây và trong khi chúng tôi đang tự hỏi làm thế nào để ông tìm được luồng câu của mình thì lại thấy ông tung một sợi dây có buộc một que sắt qua ngang con thuyền. Hóa ra sợi dây và que sắt này giống như một công cụ mò luồng câu bởi chỉ ít giây sau đã thấy ông Tui kéo lên luồng câu mà ông cắt trước đó, trước khi ông nối lại với nhau.
Cứ thế, luồng câu ở chiếc can nhựa cưa đôi ngày một cao dần nhưng ông Tui chỉ bắt được hai con cá ngát loại nhỏ. Tính ra, khoảng 400m luồng câu mà ông thả ở đoạn kênh này không hiệu quả và ông chỉ còn hy vọng ở 400m luồng câu thả sát cửa kênh ra sông Ba Lai.
Mặc dù thế thì khi chúng tôi chèo sát cửa kênh ra sông Ba Lai, nơi đoạn luồng câu cuối cùng được ông Tui kéo lên bỏ vào nửa chiếc can nhựa cưa đôi còn lại, thành quả của lão nông người Bến Tre chỉ có năm con cá, trong đó có bốn con cá ngát, một con cá út (hoặc cá úc), cũng là một loại cá da trơn rất ngon khi nấu canh chua. Tính ra thì số cá này cũng chỉ nặng khoảng 2 - 3 kg và nói như ông Tui thì, chẳng đủ cho thằng cháu ngoại ăn chứ nói gì đến làm một bữa nhậu. Vậy mà có thời, người ta chẳng thèm ăn cá ngát và giờ, loài cá này đã trở thành đặc sản trong các quán ăn, nhà hàng với giá không hề rẻ, để khiến có những người vì ham lợi sẵn sàng rải thuốc bắt cá hoặc dùng cào điện làm lượng cá trong tự nhiên giảm đến mức báo động.
Chúng tôi rời Bình Đại với hình ảnh nụ cười rạng rỡ của ông Tui mỗi khi kéo lên con cá ngát mắc ở luồng câu và rồi tự hỏi, nếu nước lũ vẫn tiếp tục về muộn hoặc nước ở thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít, rồi hệ sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay đổi, liệu chúng tôi có còn được thấy những hình ảnh đó trên dòng Ba Lai hiền hòa và ở miền Tây nói chung nữa hay không?!
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41568402-ve-ba-lai-cau-ca-ngat.html