Về Bạc Liêu, nghe chuyện cậu Ba Huy 'đốt tiền nấu trứng'
Nói tới Bạc Liêu, người ta không chỉ nhắc tới Cao Văn Lầu cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử, mà còn nhiều lắm những giai thoại về Ba Huy (Công tử Bạc Liêu), nổi danh ăn chơi nức tiếng một thời.
"Bạc Liêu, giấc mơ tình yêu", lời bài ca ấy dường như đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người khi đến với Bạc Liêu. Về với Bạc Liêu, người ta luôn có cảm giác muốn tìm một chút gì đó thuộc hoài niệm xa xưa, dĩ vãng.
TP Bạc Liêu cũng mang trong mình những nét mộc mạc, hoài niệm hay nói cách khách là có chất thơ, sự lãng mạn riêng có. Đến với TP Bạc Liêu, sẽ thật thiếu xót nếu không dành thời gian tham quan nhà Công tử Bạc Liêu và cùng nghe những câu chuyện về cuộc đời "oanh oanh, liệt liệt" của cậu Ba Huy.
Đã 100 trăm trôi qua, nhưng những giá trị kiến trúc, nghệ thuật tại dinh thự của cậu Ba Huy, không những không bị "lạc hậu" so với thời thế mà trái lại, càng trở nên quý giá và được đánh giá cao.
Tọa lạc tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, dinh thự của cậu Ba Huy đã hấp dẫn biết bao du khách bởi vẻ đẹp quí phái của nó. Với không gian khoáng đãng và kiến trúc hài hòa, nó được xem là góc phố đẹp nhất của thành phố Bạc Liêu từ xưa đến nay.
Dinh thự của Công tử Bạc Liêu được xây dựng bởi kĩ sư người Pháp vào năm 1919. Vốn một thời du học và sinh sống ở Pháp, vì thế, không có gì khó hiểu khi dinh thự của cậu Ba Huy mang đậm phong cách sang trọng, hiện đại của xứ sở Tây phương.
Tầng một (tầng trệt) của dinh thự gồm 2 phòng ngủ, phòng khách cùng hai đại sảnh rộng cùng với cầu thang lớn dẫn lên lầu. Trên lầu cũng có 2 phòng ngủ và hai đại sảnh rộng, thoáng, hút nắng, gió, khiến cho dinh thự luôn thông thoáng, mát mẻ.
Không chỉ đẹp về kiến trúc và nội thất, dinh thự của Công tử Bạc Liêu còn có nhiều món đồ cổ quí hiếm. Những chi tiết chạm trổ tinh tế của người nghệ sĩ tài hoa đã tô điểm cho những chiếc bàn, những cái ghế nơi đây thêm đẹp và đặc sắc. Các bộ bàn ghế nơi đây đều được cẩn xà cừ sắc sảo. Ngoài ra, trong dinh thự còn có những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng đã tô điểm cho ngôi nhà thêm nhiều màu sắc sống động. Đặc biệt, hiện tại trong dinh thự còn có chiếc xe ô tô của Công tử Bạc Liêu khi xưa.
Tới tham quan dinh thự Công tử Bạc Liêu, ngoài việc được nghe giới thiệu về những nét kiến trúc, sự ra đời của ngôi nhà, các vật dụng, đồ dùng liên quan, du khách còn được hướng dẫn viên kể lại nhiều giai thoại về chủ nhân của nó (cậu Ba Huy).
Theo các giai thoại này thì Công tử Bạc Liêu, là người Việt Nam sở hữu riêng máy bay đầu tiên cả nước; đi thăm ruộng bằng máy bay đầu tiên; người tổ chức đấu xảo sắc đẹp (tiền thân các cuộc thi sắc đẹp sau này) đầu tiên tại Nam kỳ… Là người Bạc Liêu, sở hữu nhiều đất đai, sở muối (đất làm muối), khai thác than, phố lầu cho thuê nhiều nhất nên rất giàu có.
Trong đó, có giai thoại để đời "đốt tiền nấu trứng" để chinh phục người đẹp của Công tử Bạc Liêu. Giai thoại này bắt nguồn từ câu chuyện sau được cho là có thật, theo đó, thời bấy giờ trên Sài Gòn có cô Ba Trà xinh đẹp nổi tiếng khắp Sài Thành.
Một bữa, Công tử Bạc Liêu tới mời cô Ba Trà đi xem phim. Cùng lúc, Bạch công tử (George Phước - Công tử Mỹ Tho) cũng mời cô Ba đi xem thế là cả ba cùng đi chung. Trong rạp phim, cô Ba Trà sơ ý làm rớt tờ giấy Con công (năm đồng) nên cúi xuống tìm. Do trong rạp phim tối, Công tử Bạc Liêu đã móc máy quẹt ra, định quẹt để giúp người đẹp tìm. Đột nhiên, Bạch Công tử ngồi bên cạnh cầm tờ giấy Con đầm (hai chục đồng) đưa vô bật lửa rồi đốt cho cô Ba tìm tờ giấy Con công. Lúc thấy Bạch Công tử đốt tờ giấy hai chục cho mình tìm tờ giấy năm đồng, cô Ba đã thốt lên "Bạch Công tử chơi ngông quá". Bạch công tử mới cười và bảo "tưởng cô Ba làm mất tờ lớn (Bộ lư-100 đồng) chớ".
Do bị thua một vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử tìm cách trả đũa lại Công tử Bạc Liêu và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc (tiền). Đó là thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào.
Chính từ những giai thoại này mà sau này nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết nên ca khúc Bạc Liêu hoài cổ, trong đó có câu "Bạc Liêu giấc mơ tình yêu, dân gian ca rằng Bạc Liêu là xứ cơ cầu. Dưới sông cá chốt trên bờ triều châu. Nghe danh công tử đốt tiền như giấy tỏ ra mình giàu...".
100 năm đã trôi qua, Công tử Bạc Liêu cùng với những giai thoại của mình đều đã trở thành hoài cổ, dĩ vãng. Ngày nay, dinh thự hay còn gọi với cái tên dân giã Nhà Công tử Bạc Liêu đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Và cũng chính những giai thoại về sự ăn chơi, lối sống phóng túng, xa hoa của Công tử Bạc Liêu lại càng khiến cho du khách phương xa thêm tò mò, hiếu kỳ muốn được một lần mục sở thị nơi ăn chốn ở của công tử xứ Bạc Liêu./.