Về Bạc Liêu nghe chuyện cây xoài 340 tuổi và truyền thuyết 'thần hổ' 3 chân

Cây xoài nổi tiếng ở Bạc Liêu khoảng 340 năm tuổi, cao 15m, gốc to 5-6 người lớn ôm mới kín vòng. Cây xoài cổ thụ độc nhất vùng sông nước Cửu Long này gắn liền với chuyện đời cây, đời người và truyền thuyết 'thần hổ' 3 chân.

Mạch nước ngầm “kỳ bí”

Gần 12h trưa những ngày cuối tháng 2/2025, miền Tây đang vào cao điểm hạn, mặn, nắng nóng oi bức, ông Trần Chí Quang (72 tuổi - Trưởng Ban trị sự chùa Ông Bổn, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) dẫn chúng tôi vào tham quan cây xoài cổ thụ khoảng 340 năm tuổi. Khi mặt trời đứng bóng, đứng dưới gốc cây xoài vẫn cảm thấy mát mẻ, êm dịu.

Ngồi dưới gốc cây, ông Quang kể về truyền thuyết cây xoài cổ thụ và con hổ 3 chân. Ông bảo, lúc còn nhỏ ông thường nghe bà ngoại kể cách đây trên 2 thế kỷ, làng Xiêm Cán (nay là ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chỉ ít người sinh sống, cỏ dại hoang sơ và xuất hiện con hổ sinh sống dưới gốc cây xoài.

Lúc ấy, con hổ thường đi săn vật nuôi của dân, bắt người, nên các vị bô lão trong làng tổ chức lập ngôi miếu thờ ngay dưới gốc cây xoài (tức miếu Ông Bổn và nghĩa địa Thọ Sơn ngày nay). “Hồi đó, ngoại tôi kể, có vị thần linh nhập đồng bảo người dân địa phương phải cống nạp con heo sống cho hổ. Lúc cống nạp heo, thần linh lên đồng tay cầm kiếm, miệng niệm thần phép thì đột nhiên xuất hiện con hổ 3 chân từ rừng rậm xuất hiện mang heo vào rừng”, ông Quang kể lại câu chuyện truyền trong dân.

Cây xoài 300 năm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Cây xoài 300 năm tuổi được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Thông lệ, các năm sau dân vào đúng ngày 28/7 Âm lịch hằng năm, người dân đều cúng nạp con heo sống, hổ vẫn đến mang heo vào rừng, từ đó cuộc sống ngư dân được an cư lạc nghiệp, hổ ít xuất hiện phá làng. Tuy nhiên, có 1 năm khi dân cư mang heo đến cống nạp ra về, hổ chưa ra nhận, nên 1 người dân sống lân cận đến trộm heo về nhà.

Ngay trong đêm, con hổ tìm đến nhà, đi vòng quanh nhà hầm hừ giận dữ. Cả gia đình kẻ trộm lo sợ nên đi mua con heo khác mang đến gốc xoài để trả cho hổ. Từ đó, cư dân đã không còn thấy hổ xuất hiện bắt heo nữa. Dẫu vậy, cứ ngày 28/7 Âm lịch hằng năm, người dân vẫn duy trì cúng trả lễ cho hổ. Qua thời gian, những người già tại địa phương vẫn lưu truyền những câu chuyện nửa hư, nửa thực đó.

Theo lời kể của ông Quang, cạnh cây xoài có giếng nước “kì bí”, cho nước ngọt quanh năm, cứ hễ lấy hết nước là tự động đầy, nước trong vắt, ngọt lịm. Nhờ vậy, dân cư làng Xiêm Cán đều dựa vào giếng này mới không lo bị “chết khát”. Đến năm 1990, dân cư địa phương tổ chức tập cốt các mộ phần, khai hoang, sắp xếp các mộ có thứ tự nên có điều kiện chăm sóc cây xoài cổ đến nay.

Cây di sản Việt Nam

Đến năm 2015, chính quyền xã Vĩnh Trạch Đông và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vào cuộc, lấy da cây xoài về phân tích và công nhận "cụ" là Cây di sản Việt Nam. Tính đến năm năm 2021, cây xoài này có tuổi thọ khoảng 340 năm (cộng trừ 30 năm). Đây là cây xoài cổ thụ có tuổi thọ lớn nhất vùng ĐBSCL đang được TP. Bạc Liêu chăm sóc, bảo tồn, phục vụ khách du lịch đến tham quan.

“Cụ” xoài có gốc to khoảng 5-6 người ôm, tán tỏa bóng mát rộng đến 300 m2.

“Cụ” xoài có gốc to khoảng 5-6 người ôm, tán tỏa bóng mát rộng đến 300 m2.

Từ khi địa phương công bố cây xoài đã sống trên 300 năm và lắp đặt một số biển chỉ dẫn đường đến cây xoài, nhiều du khách đã tìm đến. Và những chuyện thiêu dệt mang tính “kỳ bí” được râm ran kể dưới tán cây cổ thụ này bỗng được chú ý.

Một số người bắt đầu truyền tai nhau, tự gán cây xoài có khả năng “chữa bệnh”. Từ đó, nhiều người dân ở khắp nơi tìm đến cạo vỏ cây đem về nấu nước uống. “Họ nói vỏ cây xoài có khả năng chữa bệnh xương khớp gì đó, rồi kéo đến cạo vỏ cây mang về làm thuốc, làm cây yếu dần. Thấy cây xoài có biểu hiện suy yếu nên tôi mới cấm không cho cạo nữa”, ông Quang nói.

Là một trong những địa phương tham gia trực tiếp bảo vệ và chăm sóc cây xoài, ông La Văn Lự (73 tuổi, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) cho biết, dù tuổi cây xoài đã hơn 300 năm, nhưng hàng năm cây vẫn ra hoa đều đều và rất sai trái, có mùa thu hoạch đến vài trăm ký.

“Trái xoài chỉ to bằng quả cóc, dính với nhau thành từng chùm chứ không riêng lẻ, vì thế bà con nơi đây gọi là xoài cóc, và cũng có người nói cây xoài rừng. Lúc còn xanh xoài có vị chua nhiều rất khó ăn, nhưng khi chín thì lại có vị chua ngọt rất ngon”, ông Lự nói.

Người dân vẫn thỉnh thoảng đến thắp hương, cúng bái dưới gốc cây xoài cầu bình an, sự nghiệp.

Người dân vẫn thỉnh thoảng đến thắp hương, cúng bái dưới gốc cây xoài cầu bình an, sự nghiệp.

Ông Lự cho hay, thời điểm cây xoài được công nhận cây di sản, du khách kéo đến tham quan, check-in rất đông, nhất vào dịp lễ, Tết có đôi lúc cả ngàn người. Ngày nay theo thời gian, du khách đến tham quan càng thưa dần, cao điểm cũng chỉ trên dưới 100 người. “Người ta ‘có duyên’ với cây xoài nên thỉnh thoảng vẫn đến thắp hương, cúng bái cầu bình an, sự nghiệp”, ông Lự chia sẻ thêm.

Việc cây xoài cổ được công nhận là cây di sản Việt Nam không chỉ là sự kiện quan trọng của riêng ấp Biển Tây B, còn là niềm tự hào chung của tỉnh Bạc Liêu, tôn thêm giá trị lịch sử - văn hóa vốn có của một di sản mà cha ông để lại, rất cần được quan tâm bảo vệ.

Năm 2015, cây Xoài cổ thụ (tên địa phương là cây xoài 300 năm) được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây có chiều cao 15m, đường kính 1,92m, gốc to khoảng 5-6 người ôm, tán tỏa bóng mát rộng đến 300m2. Tên khoa học của Cây Xoài là Mangifera Indica, thuộc họ Anacardicae (họ đào lộn hột).

Tân Lộc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ve-bac-lieu-nghe-chuyen-cay-xoai-340-tuoi-va-truyen-thuyet-than-ho-3-chan-post1719367.tpo