Về bản Suối Tăng
Từ trung tâm xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, mất khoảng 20 phút đi xe máy trên con đường bê tông kiên cố uốn lượn ven sông Đà, chúng tôi tới bản Suối Tăng. Ấn tượng khi bắt đầu đặt chân đến bản, là những vườn cây ăn quả, nương sắn, nương ngô xanh tốt, chạy dọc hai bên con đường nội bản được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ. Những ngôi nhà xây kiến trúc hiện đại, diện mạo nông thôn mới khang trang.
Ông Lừ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Khoa, thông tin: Bản Suối Tăng được sáp nhập từ bản Khọc A với bản Khằng, gồm 3 dân tộc Thái, Mường, Mông cùng sinh sống. Đây là bản có nhiều ngôi nhà đẹp nhất xã, bởi ngoài việc chịu khó làm nông nghiệp, thanh niên nam, nữ trong bản tích cực đi làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, tích cóp tiền phụ giúp gia đình, xây nhà, chăm lo cuộc sống.
Đón chúng tôi trong ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, ông Lò Văn Phới, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Suối Tăng, thông tin: Bản có 90 hộ, 436 nhân khẩu, nhân dân trong bản luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện tốt các hương ước, quy ước của bản; tích cực tham gia các phong trào, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội...
Hiện nay, bản Suối Tăng có gần 150 lao động đi làm tại các doanh nghiệp, với mức lương 8-15 triệu đồng/tháng. Cả bản trồng gần 27ha nhãn, xoài, sản lượng đạt trên 4.000 tấn quả các loại/năm; chuyển đổi đất nông nghiệp bạc màu sang trồng hơn 30 ha cây gỗ xoan, gỗ tếch; quản lý bảo vệ tốt trên 450 ha rừng tự nhiên; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại, với gần 400 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm các loại, đời sống nhân dân từng bước cải thiện.
Gia đình ông Hoàng Văn Tuần xây được ngôi nhà hai tầng với kiến trúc rất hiện đại. Ông Tuần chia sẻ: Các con đi làm công nhân ở dưới xuôi, chịu khó lao động, tiết kiệm chi tiêu, tích lũy gửi về. Chúng tôi ở nhà tích cực trồng, chăm sóc gần 2ha sắn và nuôi hơn 10 con bò, đem lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Gia đình tôi giờ đã có của ăn, của để, chăm lo cho cháu ăn học.
Kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, đời sống nâng lên, nhân dân bản Suối Tăng có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cùng với hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng của Nhà nước, nhân dân bản Suối Tăng đã góp gần 300 triệu đồng, hiến hơn 500m2 đất, hàng nghìn ngày công bê tông hóa hơn 13 km đường liên bản, nội bản. Nhân dân tự đóng góp 75 triệu đồng, lắp 30 bóng đèn năng lượng mặt trời, chiếu sáng đường nội bản.
Hiện nay, 98% hộ dân bản Suối Tăng đã có nhà xây kiên cố hoặc nhà sàn bằng gỗ khang trang, sạch đẹp; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trẻ em đến trường đúng độ tuổi; duy trì 1 đội bóng đá nam, 1 đội bóng chuyền, 1 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân các dịp lễ, tết. Có 84 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 100% số gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ. 10 năm liên tục bản được công nhận danh hiệu “Bản văn hóa”; nhiều năm nay, bản liên tục đạt “4 không” về ma túy; bản đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cả bản chỉ còn 5 hộ nghèo do mới tách hộ, phấn đấu đến cuối năm nay, cả bản không còn hộ nghèo.
Chia tay bản Suối Tăng, khi những bóng điện năng lượng mặt trời dọc các tuyến đường trong bản đã bật sáng, cùng với ánh điện lung linh trong những ngôi nhà soi bóng xuống dòng sông Đà, tạo nên một diện mạo nông thôn mới bản Suối Tăng giàu đẹp.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/ve-ban-suoi-tang-aaA3Rp6VR.html