Vé bay hạ nhiệt, thêm lựa chọn cho du khách

Trước phản ứng của người dân về giá vé máy bay, ngày 3/5, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra công tác bán vé. Đến nay, giá vé máy bay đã hạ nhiệt.

Giá vé máy bay tăng cao, người dân bức xúc.

Giá vé máy bay tăng cao, người dân bức xúc.

Kết quả rà soát, kiểm tra cho thấy: trong quý 1/2024, đối với đường bay Hà Nội - TPHCM: giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023); Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%); Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Theo giới chuyên gia tài chính, một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế, phí không hề nhỏ. Đến được tay khách bay, giá cuối cùng của tấm vé đã vọt lên. Theo đó, giá vé máy bay chưa có thuế, phí chỉ bằng 1/3 với giá vé có thuế phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cần giảm bớt các loại phí để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay. Khi phí sân bay quá nhiều, khách đi máy bay, khách du lịch phải “cõng” thêm nhiều chi phí, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phải xem lại những loại phí, thuế đó đã hợp lý hay chưa; trên nguyên tắc giảm bớt phụ phí.

Trước phản ánh giá vé máy bay tăng cao trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

Tới nay, giá vé ở hầu hết các hãng bay đều đã hạ xuống. Đáng chú ý, giá vé “0 đồng” đã xuất hiện trở lại (Hãng Vietjet).

Với các điểm du lịch, các hãng cũng đã mở bán nhiều vé máy bay giá rẻ cho hành khách. Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, nhiều đường bay tới các điểm du lịch, giá vé máy bay đã giảm chỉ còn khoảng 1/2 so với thời điểm nghỉ lễ 30/4-1/5.

Cụ thể, khảo sát trang website bán vé của một số đại lý của các hãng hàng không (vào ngày 18/5) cho thấy: chặng bay TPHCM - Hà Nội của Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines có nhiều chuyến bay chỉ hơn 1,4 triệu đồng/chiều; giá vé của Vietjet Air hơn 1,6 triệu đồng/chiều. Trong đó các đường bay du lịch trọng điểm đều đã được các hãng bay mở bán với mức giá ưu đãi: Hà Nội - Cam Ranh từ 1.648.000 đồng/chiều; Hà Nội - Đà Nẵng từ 1.216.000 đồng/chiều; TPHCM - Đà Nẵng, Huế từ 1.227.000 đồng/chiều; TPHCM - Quy Nhơn từ 1.152.000 đồng/chiều; TPHCM - Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang đều từ 1.098.000 đồng/chiều… Các mức giá vé này đã bao gồm thuế, phí.

Ngay cả với đường bay có giá vé cao nhất đợt lễ vừa qua là chặng Hà Nội - Phú Quốc, thì giá tham khảo bay của VietJet vào ngày 18/5 là 1,5 triệu đồng/chiều (giảm hơn 1 triệu đồng so với giai đoạn lễ) và khoảng 3 triệu đồng/chiều vé của Vietnam Airlines. Trước đó, đợt 27/4, giá vé thấp nhất của Vietnam Airlines trên chặng này là gần 4,5 triệu đồng/chiều.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân nên chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi từ sớm để có cơ hội mua vé máy bay trong dải giá thấp và trung bình.

Thực tế cho thấy, khi giá bay cao, nhất là ở các tuyến bay từ 1.000km trở lên và các vùng du lịch trọng điểm thì du lịch gặp khó khăn, do khách “quay xe” lựa chọn du lịch gần; hoặc chọn du lịch nước ngoài.

Có thể nêu ví dụ: đợt nghỉ lễ 5 ngày vừa qua, một tour 5 ngày 4 đêm TPHCM - Bangkok (Thái Lan) hơn 7 triệu đồng. Trong khi tour TPHCM - Hà Nội 4 ngày 3 đêm hơn 10 triệu đồng. Ngay cả chuyến bay kết nối du lịch nội địa cũng vậy: chuyến bay TG201 ThaiAirways chặng Bangkok - Phuket giá vé 1,5 triệu đồng, phí và phụ phí gần 91.000 đồng, tổng giá vé khách phải trả là 1,6 triệu đồng. Trong khi đó, chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé Vietnam Airlines 1,3 triệu đồng, thuế phí và phụ phí 675.000 đồng, tổng số tiền khách phải trả một vé máy bay nội địa là 1,9 triệu đồng.

Hiện giá vé bay nội địa đã giảm, nhưng quan trọng phải là thay đổi được tư duy “mùa vụ”, khi mà cao điểm du lịch bắt đầu thì giá vé bay lại tăng. Đó là việc đặt lợi nhuận lên trên cả sự ổn định và uy tín của các hãng bay; cũng như thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan để tất cả cùng có lợi.

Mặt khác, cũng rất cần tăng tính cạnh tranh của các hãng bay để giảm giá vé. Rất đáng chú ý khi mà hiện nay Việt Nam hiện có 6 hãng bay (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco), nhưng trong đó chỉ 2 hãng đã chiếm đến 90% thị phần.

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ve-bay-ha-nhiet-them-lua-chon-cho-du-khach-10280309.html