Vẽ bậy lên tường người khác: Có thể bị xử lý hình sự
Vẽ bậy nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Tuần qua, PLO đã phản ánh tình trạng vẽ bậy lên những bức tường trống, cửa cuốn nhà dân, công trình xây dựng, đến các trạm biến điện, tủ điện, trạm chờ xe buýt,… Những hình ảnh nhem nhuốc đã khiến nhiều người dân bức xúc.
Chính quyền địa phương vẫn phải nỗ lực để xử lý nhằm hạn chế những hình ảnh xấu xí này diễn ra.
Một số bạn đọc thắc mắc, pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi vẽ bậy nơi công cộng, trên tường người khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác Thi hành pháp luật và Quản lý xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM, đã có những giải đáp xoay quanh những quy định về mức phạt đối với hành vi trên.
Vẽ bậy là vi phạm pháp luật
. Phóng viên: Thưa bà, nhiều người cứ nghĩ việc vẽ nơi công cộng, trên tường người khác (Graffiti) là chỉ để thỏa mãn đam mê. Vậy việc vẽ bậy này có bị xem là vi phạm pháp luật không?
+ Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Việc tự ý viết vẽ hình lên tường người khác, trên tàu xe, những công trình công cộng mà chưa được sự đồng ý, cho phép thì là vi phạm pháp luật.
Theo đó, tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
. Người vi phạm thực hiện hành vi ở mức độ nào thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thưa bà?
+ Tại điểm l, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người nào phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại khoản 2 điều 15, Nghị định 144, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, tại khoản 3 điều 21, Nghị định 144 quy định nếu hành vi vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ thì sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.
. Thưa bà, vậy việc vẽ bậy ở mức độ nào thì người vi phạm sẽ chịu trách nhiệm hình sự?
+ Đối với hành vi viết, vẽ bậy lên tường, cửa nhà hoặc tường công cộng có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại điều 178 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Theo quy định trên thì mức hình phạt cao có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Muốn xử phạt phải xác định được người vi phạm
. Trên thực tế các địa phương rất khó thực hiện việc xử phạt đối với hành vi vẽ bậy, vậy theo bà nguyên nhân do đâu?
+ Hành vi phun sơn, viết, vẽ bậy trên tường, nơi công cộng đã được xác định là hành vi sai trái là vi phạm.
Đồng thời, thực tế cũng đã có quy định rất rõ về mức phạt, vấn đề quan trọng nhất ở đây là phát hiện vi phạm và xác định được đối tượng vi phạm.
Trong khi đó, những đối tượng vi phạm đối với các hành vi nêu trên thông thường thực hiện với một thời gian ngắn, vào ban đêm nên rất khó cho địa phương xử phạt. Vì thế, cái khó nhất của địa phương là xác định người vi phạm để thực hiện các thủ tục xử phạt theo quy định.
. Theo bà, để hạn chế tình trạng vẽ bậy thì các cơ quan phải thực hiện những biện pháp gì?
+ Các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế tình trạng vẽ bậy. Trong đó, biện pháp cơ bản nhất vẫn là truyền thông để giúp người vi phạm hiểu được việc vẽ bậy trên tường người khác, nơi công cộng là sai.
Biện pháp nữa là đối với những nơi công cộng thì bố trí các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ như camera để phát hiện và xác định đối tượng vi phạm. Đồng thời, các cơ quan phải có đủ lực lượng để phát hiện và tìm được người vi phạm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ve-bay-len-tuong-nguoi-khac-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-post710276.html