Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo đã bắt đầu di chuyển các đơn vị nằm dưới sự kiểm soát của họ tới sát biên giới Israel nhằm sẵn sàng đưa ra phản ứng một cách cứng rắn.
Tờ báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Syria giấu tên cho biết, IRGC đã điều động các đơn vị từ khu vực Deir ez-Zor đến gần Damascus và tiến về phía biên giới Israel.
Mặc dù vậy, Tehran chưa có kế hoạch tham chiến trực tiếp với Tel Aviv, lập trường của Iran được gọi là “phòng thủ tích cực” với mục đích chủ đạo là răn đe.
Tuy nhiên nếu tình hình chiến sự tại Dải Gaza trở nên mất kiểm soát, không loại trừ khả năng IRGC và các nhóm vũ trang người Shiite đồng minh, trong đó bao gồm khá nhiều người Syria sẽ đưa ra hành động cứng rắn với Tel Aviv.
Trước đó vào ngày 10/10, có thông tin IRGC đã điều quân tới khu vực Cao nguyên Golan, các đơn vị IRGC cùng Hezbollah xuất hiện tại các tỉnh Daraa, Quneitra và ở trong tư thế sẵn sàng tấn công, khi triển khai sẵn tên lửa cùng với máy bay không người lái.
Như đã đề cập, Iran và Hezbollah vẫn đang thực hiện cách tiếp cận thận trọng, họ kiên nhẫn chờ diễn biến trên thực địa và các hành động tiếp theo của cuộc xung đột Israel - Hamas.
Chính quyền Tehran luôn cảnh báo Tel Aviv về khả năng can thiệp vào cuộc xung đột nếu Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bắt đầu thực hiện Chiến dịch Iron Swords để tiến vào Dải Gaza.
Chính quyền Iran khẳng định chiến dịch quân sự của Israel trên lãnh thổ mà người Palestine kiểm soát chính là lằn ranh đỏ, vượt qua ranh giới này sẽ dẫn đến việc cả IRGC và Hezbollah cùng tham chiến.
Giới phân tích lo ngại nếu giới chức Israel cho rằng với sự giúp đỡ từ Mỹ, đặc biệt là sự yểm trợ của nhóm tác chiến tàu sân bay ngoài khơi, sẽ giúp họ đủ sức đối phó Iran thì xung đột sẽ phát triển hơn nữa và toàn bộ khu vực Trung Đông chìm trong bạo lực.
Nhưng ngay lúc này, bên cạnh biện pháp quân sự, Tehran lại giáng đòn kinh tế lên Tel Aviv khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ triệt để đối với Israel.
Lời kêu gọi được đưa ra sau cuộc tấn công tên lửa vào bệnh viện Al-Ahly Al-Maadani, nằm ở Dải Gaza. Ông Abdollahian cho rằng chính quyền Israel phải chịu trách nhiệm và yêu cầu “lệnh cấm vận ngay lập tức và hoàn toàn” đối với việc cung cấp dầu thô cho Tel Aviv.
"Ngoại trưởng Iran kêu gọi cấm xuất khẩu dầu thô sang Israel, thành lập tòa án xét xử tội ác chiến tranh và trung tâm lưu trữ tài liệu về hành động của Israel với sự giúp đỡ của Ban thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC)", thông báo nêu rõ.
Ở chiều ngược lại, IDF đã đưa ra bằng chứng cho thấy chính rocket của Hamas đã rơi vào bãi để xe và gây cháy lan rộng, từ đó dẫn tới thương vong, nhưng số người thiệt mạng bị cho là chỉ ở mức 10 - 50 người thay vì 500 như những gì Hamas tuyên truyền.
Cần lưu ý một yếu tố đặc biệt đó là giá dầu thô đã tăng trưởng đều đặn kể từ khi bắt đầu xung đột Israel - Hamas và ngay lập tức phản ứng mạnh với tin tức Iran muốn cấp vận dầu mỏ Israel.
Mặc dù mới chỉ có đề xuất trừng phạt Israel và chưa có quốc gia Ả Rập nào cho thấy ý định sẽ thông qua, nhưng giá dầu Brent giao ngay đã tăng gần 2,5% và vượt mức 92,5 USD/thùng.
Nếu xung đột Israel - Hamas lan sang các nước khác, kênh đào Suez về mặt lý thuyết có thể bị phong tỏa. Điều này gây ra hậu quả thảm khốc không chỉ đối với dầu mỏ mà còn cho bất kỳ hoạt động thương mại nào khác.