Về Bình Thái nghe chuyện câu kiều

Bình Định có một làng nghề độc đáo đó làng câu kiều Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Nghề câu có một không hai, câu cá mà không cần mồi...

Vì hai chữ “câu kiều” - tên một ngư cụ đánh cá, mà tôi đã lặn lội tìm về làng Bình Thái, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để mục sở thị.

 Câu kiều là một ngư cụ đánh cá độc đáo của người dân ở Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định). Ảnh: THU DỊU

Câu kiều là một ngư cụ đánh cá độc đáo của người dân ở Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định). Ảnh: THU DỊU

Độc đáo câu kiều

Khi được hỏi về câu kiều, người làng Bình Thái kể về nghề truyền thống có một không hai ở Bình Định bằng niềm vui pha chút thích thú. Rằng, nghề câu kiều độc đáo ở chỗ câu cá không cầu mồi; người làm ra bộ câu kiều phải lành nghề mới sáng tạo được bộ câu đều tăm tắp; người thả câu cũng phải giỏi trong sự tính toán để "bẫy" cá.

 Những nẹp câu kiều xếp gọn chuẩn bị cho một chuyến biển. Ảnh:THU DỊU

Những nẹp câu kiều xếp gọn chuẩn bị cho một chuyến biển. Ảnh:THU DỊU

Tìm đến làng Bình Thái, hỏi câu kiều, bà con ở đây chỉ chúng tôi theo tiếng đe, tiếng búa mà tìm. Đi sâu vào con đường nhỏ chạy ra phía sông, chúng tôi tìm được nhà của ông Phan Ngọc Thanh, một trong ba gia đình còn giữ nghề làm câu kiều ở đây.

Hỏi về câu kiều, ông Thanh nói - nghề cha truyền con nối, đời ông là thế thứ hai làm câu kiều. Tên gọi câu kiều là tên của người trước truyền lại, lý giải vì sao thì thú thật không rõ.

"Cái độc đáo câu kiều là không cần mồi vẫn dính cá nhé", ông Thanh vừa nói, vừa ngơi tay búa bày một nẹp câu kiều để giới thiệu về sự độc đáo của bộ câu này.

 Câu kiều hoàn toàn làm thủ công, qua 10 công đoạn mới hoàn thành được một nẹp câu kiều. Ảnh: THU DỊU

Câu kiều hoàn toàn làm thủ công, qua 10 công đoạn mới hoàn thành được một nẹp câu kiều. Ảnh: THU DỊU

Ông Thanh cầm trên tay một nẹp câu và chậm rãi tháo cước, chúng tôi thấy từng lưỡi câu đều như một, một nẹp câu hai trăm lưỡi giống nhau như một khuôn đúc ra.

"25 năm theo nghề làm câu kiều rồi đó. Hỏi bí quyết nghề này tôi cũng không biết là gì để kể. Tôi nói ngắn gọn thế này nhé, cái gì làm quen tay, quen mắt là thành nghề thôi. Như tôi đây, giờ quen rồi cứ bao nhiêu cước, lưới, thép đó là bày ra uốn câu, tuyệt không có phải ghi chép, đo đạc gì cả. Nhìn bằng mắt mà uốn móc câu cho đều, cho lỳ cho lẹm sắc"- ông Thanh nói.

 Ông Phan Ngọc Thanh, một trong ba hộ còn giữ nghề làm câu kiều ở làng Bình Thái. Ảnh:THU DỊU

Ông Phan Ngọc Thanh, một trong ba hộ còn giữ nghề làm câu kiều ở làng Bình Thái. Ảnh:THU DỊU

Một nẹp câu kiều cố định bằng 160 lưỡi câu, dùng cước, phao để gắn vào thanh tre. Câu kiều gần như phải làm thủ công qua 10 công đoạn mới thành câu. Đầu tiên người thợ cắt cuộn inox thành từng đoạn ngắn, dùng búa đập dẹp và cắt nhọn cả hai đầu. Thông qua nhiều công đoạn uốn, mài để tạo thành lưỡi câu, tóm lưỡi câu... Cuối cùng là cắt phao, buộc lưới.

"Phao dài đúng 4 phân, ngang 1,5 phân, 7 lưỡi câu sẽ kết một phao, theo đó tính toán cho đủ nẹp", ông Phan Văn Bình, một hộ làm câu kiều ở Bình Thái nói.

Chuyện câu - chuyện người

Ông Đặng Võ Văn Minh Hiền, Trưởng thôn Bình Thái, nói, nghề câu kiều là nghề truyền thống của người dân ở đây. Cả thôn Bình Thái còn ba hộ làm câu kiều và khoảng 20 hộ theo nghề đánh bắt thủy sản bằng câu kiều.

 Câu kiều thích hợp cho những ghe, thuyền nhỏ đánh gần bờ. Bến sông trước làng Bình Thái là nơi neo đậu của những chiếc thuyền theo nghề cầu kiều. Ảnh:THU DỊU

Câu kiều thích hợp cho những ghe, thuyền nhỏ đánh gần bờ. Bến sông trước làng Bình Thái là nơi neo đậu của những chiếc thuyền theo nghề cầu kiều. Ảnh:THU DỊU

Theo ngư dân ở Bình Thái, bà con đi lưới câu kiều bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm nay và về bờ vào sáng sớm hôm sau để kịp đưa hải sản ra chợ sớm. Những năm nay, bà con ở Bình Thái vẫn duy trì nghề câu kiều- một phần vì đây là nghề cha ông truyền lại, phần khác thì cá đuối được giá nên thu nhập của bà con cải thiện dần.

 Ông Trần Minh Dũng đang chuyển bị ngư cụ cho chuyến biển chiều nay. Ảnh: THU DỊU

Ông Trần Minh Dũng đang chuyển bị ngư cụ cho chuyến biển chiều nay. Ảnh: THU DỊU

Ông Trần Minh Dũng (59 tuổi, ngụ thôn Bình Thái), theo nghề câu kiều gần 30 năm nay. Ông Dũng chia sẻ, câu kiều không khó nhưng đòi hỏi người thả câu phải nhạy mới dùng được. Loài câu này vây cá bằng hệ thống lưỡi kết chùm như một chiếc bẫy.

Nên khi buông câu, ngư dân chỉ cần nhìn rung động của phao là biết có cá hay không. Thả câu kiều, kị nhất là lưỡi câu vướng vào thân, khi đó người đi câu trở thành "con mồi" của câu kiều. Cho nên, ví von câu kiều là nghề của sự mưu trí, tính toán cũng không sai biệt là mấy.

Một ngư dân Bình Thái góp chuyện với ông Dũng, nghề câu kiều thuở trước là nghề ăn nên làm ra. Ngư dân Bình Thái đi câu kiều ở biển gần bờ, tối đi sáng về là đầy ắp. Nhưng nay, sông, đầm và cả biển cạn kiệt cá tôm do kiểu đánh tận diệt. Nghề câu kiều ở Bình Thái vì thế mà giảm nhiều, chừng 10-20 hộ còn giữ nghề.

"Dù hải sản giảm, nhưng chúng tôi không bỏ được nghề truyền thống của cha ông mình. Nghề câu kiều đi hàng ngày, mùa biển động, sóng lớn mới nghỉ ở nhà", ông Được, một ngư dân Bình Thái nói.

 Ở Bình Thái câu kiều không chỉ là ngư cụ để mưu sinh, mà nhiều người còn dùng câu kiều để giúp các gia đình tìm thi thể của người đuối nước. Ảnh: THU DỊU

Ở Bình Thái câu kiều không chỉ là ngư cụ để mưu sinh, mà nhiều người còn dùng câu kiều để giúp các gia đình tìm thi thể của người đuối nước. Ảnh: THU DỊU

Theo trưởng thôn Bình Thái, vì sự độc đáo của loại câu này, những năm gần đây, bà con Bình Thái giúp đỡ rất nhiều gia đình tìm người đuối nước. Câu rà sát đáy sông, biển, nhờ vậy giúp nhiều gia đình có người xấu số tìm được hi vọng đưa người thân về quê an nghỉ.

THU DỊU

Nguồn PLO: https://plo.vn/ve-binh-thai-nghe-chuyen-cau-kieu-post771742.html