Về ca khúc 'Còn thương rau đắng mọc sau hè': 'Coi cói đốt đồng' hay 'coi khói' hay...?
Tình cảm của ông dành cho đất đồng, chứ không phải đất ở thị thành. Có như thế mới đúng với ngữ cảnh của ca khúc mà ông đã viết nhạc nền cho nội dung vở kịch truyện Bếp lửa ấm
Nhận văn bản sáng tạo nghệ thuật, trải qua thời gian, thường có tình trạng "tam sao thất bản" do nhiều lý do. Nhầm lẫn này có khi khiến nội dung văn bản hay hơn nhưng ngược lại dở đi, thậm chí hiểu sai. Công chúng lại tranh luận theo suy nghĩ chủ quan, khó có thể khẳng định đâu đúng, đâu sai nên ta phải cậy đến văn bản của tác giả. Ca khúc "Còn thương rau đắng mọc sau hè" của nhạc sĩ, diễn viên Bắc Sơn là một trường hợp cụ thể.
Vào tháng 11-1974, nhạc sĩ Bắc Sơn viết "Còn thương rau đắng mọc sau hè" làm nhạc nền cho vở kịch có tên "Bếp lửa ấm", người thể hiện đầu tiên là ca sĩ - sinh viên Cao Trường. Từ năm 1985, ca sĩ Hương Lan gọi là "Tình khúc dân ca" và nó phổ biến rộng rãi đến nay qua nhiều giọng ca khác.
Ca từ mà các ca sĩ lâu nay vẫn hát: "Nắng hạ đi mây trôi lang thang cho hạ buồn/ Coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng". Cũng có người hát: "Coi cói đốt đồng…". Từ đó sinh ra tranh cãi là "coi khói" hay "coi cói" trong công chúng. Có người cho rằng "cói" ở đây là con chim cói, vì trong câu có "chim nhớ lá rừng". Thành ngữ cũng có câu: "Con cò ăn bên kia hói, con cói ăn bên kia sông". Nghĩa là câu hát bày tỏ tâm trạng của tác giả coi chim cói "chạy loạn" lúc đốt đồng để thấm thía cho thân phận "chim xa rừng". Còn "coi khói đốt đồng…" là tâm trạng của tác giả khi đứng/ngồi xem khói người nông dân đốt đồng sau mùa gặt. Nghe ra cũng có lý, do đó nhiều người đã có những lựa chọn này. Tuy nhiên, "coi khói đốt đồng" được hát nhiều hơn vì có lý hơn "coi cói đốt đồng", khó hiểu về ngữ nghĩa.
Xác định đúng - sai không gì bằng khảo sát từ văn bản của chính tác giả, "nói có sách mách có chứng". Trong tập sách "Còn thương rau đắng mọc sau hè" (NXB Đồng Nai, 2003), in ca từ của nhạc sĩ Bắc Sơn như sau: "Nắng hạ đi mây trôi lang thang cho hạ buồn/Coi khói đất đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng" (tr.166). Vâng, khói từ đất đồng (đồng ruộng), chứ không phải khói nào khác, khói từ nhà máy của các khu công nghiệp hay khói từ xe máy ở phố xá chẳng hạn. Tình cảm của ông dành cho "đất đồng", chứ không phải đất ở thị thành. Có như thế mới đúng với ngữ cảnh của ca khúc mà ông đã viết nhạc nền cho nội dung vở kịch truyện "Bếp lửa ấm".